model trains for beginners 728 x 90 728 x 90

CHỌN CHUYÊN NGÀNH Ở ĐẠI HỌC


Tác giả định nghĩa “ngành chính” và “ngành phụ” theo nghĩa học thuật và đưa ra những lời khuyên bổ ích cho sinh viên đang cân nhắc xem lĩnh vực nào phù hợp với mình nhất. Linda Tobash là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Việc làm cho Sinh viên Đại học thuộc Viện Giáo dục Quốc tế.


“Giống như hầu hết mọi người, tôi nhớ rất rõ năm tôi phải chọn chuyên ngành của mình. Sự thật là tôi đã phải quyết định đến ba lần”.
TS. David Brownlee, Giáo sư Lịch sử Nghệ thuật, Đại học Tổng hợp bang Pennsylvania
http://www.college.upenn.edu/curriculum/major_choosing.html

Giữa hàng trăm chuyên ngành và hàng ngàn trường đại học, cao đẳng để chọn lựa, làm thế nào để sinh viên biết nên chọn học cái gì và học ở đâu. Đối với một số người, quyết định đầu tiên là ở đâu - ở một trường đại học tổng hợp rộng lớn, hoặc trường đại học khoa học xã hội nhỏ, hoặc một viện chuyên ngành đào tạo kỹ sư hay công nghệ hoặc tin học chẳng hạn; ở thành thị hay ở nông thôn; gần biển hay ở vùng núi; gần nhà hay xa; ở trường có hỗ trợ tài chính; hay trường có các hoạt động ngoại khóa riêng, ví dụ như được chơi trong đội bóng đá, hoặc làm ở trạm phát thanh hoặc truyền hình của trường, làm báo, đóng kịch, hoặc sản xuất phim. Nhưng đối với các sinh viên khác, việc tìm trường bắt đầu từ ngành họ muốn học và nơi họ có thể học ngành đó tốt nhất.

Không giống các hệ thống giáo dục quốc gia khác, chuyên ngành thường được quyết định dựa vào những gì đã học ở trường phổ thông hoặc điểm thi đại học đầu vào, các ứng viên vào đại học, cao đẳng ở Hoa Kỳ thường có thể chọn từ một danh sách đầy đủ các trường và chuyên ngành học. Dĩ nhiên là ở các trường có yêu cầu tuyển chọn cao, sự cạnh tranh để được một suất vào trường đó là rất lớn và chỉ một số nhỏ sinh viên thật nổi bật mới được chọn. Ngay cả ở những viện đào tạo ít đòi hỏi hơn cũng sẽ nghiêm ngặt và cạnh tranh hơn để vào được một số chuyên ngành như điều dưỡng hoặc kỹ sư. Nhưng, nói chung, các sinh viên tương lai có rất nhiều sự lựa chọn.

Vậy nói chính xác, chuyên ngành là gì?

Trang web của Đại học Tổng hợp Stanford nói rằng: “Chuyên ngành là lĩnh vực bạn chọn để nghiên cứu sâu hơn nữa ở đại học. Sự lựa chọn ấy cũng có nghĩa bạn phải đánh đổi rất nhiều thời gian và công sức vào đấy. Khi đã hoàn thành đầy đủ mọi yêu cầu chuyên ngành đòi hỏi, bạn sẽ nhận được bằng cử nhân. Chuyên ngành tạo cơ hội cho bạn phát triển kỹ năng trí tuệ, để chứng tỏ bạn có khả năng nắm bắt được môn học từ những vấn đề cơ bản qua việc nghiên cứu chuyên sâu này. Bạn học ngành nào là một quyết định cá nhân quan trọng”. [http://www.stanford.edu/~susanz/Majors.html]

Khi sinh viên chọn chuyên ngành chính là sinh viên đó đang ký một hợp đồng với trường đại học của mình để hoàn thành một khóa học bắt buộc bao gồm yêu cầu đào tạo chung (có nghĩa là yêu cầu của trường đại học) và yêu cầu của chuyên ngành. Nói cách khác, giáo trình đại học không chỉ bao gồm các khóa đào tạo của lĩnh vực chuyên ngành mà thôi. Thật ra, khoảng 50-60% khóa đào tạo bao gồm các khóa đại cương và không bắt buộc, có nghĩa là sinh viên có thể chọn học các khóa này trong rất nhiều tùy chọn trong và ngoài chuyên ngành của mình. Tỉ lệ giữa các khóa đào tạo đại cương và các khóa chuyên ngành thay đổi tùy theo từng trường và chuyên ngành, nhưng tất cả các trường đều yêu cầu một số khóa đào tạo đại cương. Giáo dục đại học Hoa Kỳ có truyền thống bắt nguồn từ các ngành khoa học xã hội mà các ngành này rất coi trọng giáo dục đại cương. Mục tiêu của mọi tấm bằng cử nhân đều nhằm phát triển kỹ năng tư duy phê phán của sinh viên và biết học như thế nào, cũng như sự thành thạo của sinh viên trong lĩnh vực học cụ thể.

Ở nhiều trường, sinh viên có thể chọn một chuyên ngành chính và một lĩnh vực học phụ khác. Ngành phụ, hoặc còn gọi là ngành tập trung, thường liên quan chặt chẽ đến chuyên ngành chính; ví dụ như, sinh viên có thể chuyên về tiếng Anh và chọn ngành phụ là biên kịch, hoặc ngành chính là lịch sử và ngành phụ là khoa học chính trị, hoặc ngược lại. Có trường còn yêu cầu phải hoàn thành một số các khóa ngành phụ mới được công nhận tốt nghiệp và thường sẽ được “tính” (áp dụng) vào yêu cầu của bằng chuyên ngành chính.

Ở một số trường, sau khi bàn bạc tỉ mỉ với giảng viên hướng dẫn chuyện học tập, sinh viên có thể tự thiết kế chuyên ngành riêng cho mình. Một số đông sinh viên đại học chọn chuyên ngành đôi. Nói cách khác, sau khi tốt nghiệp họ đáp ứng được yêu cầu của cả hai chuyên ngành. Hai chuyên ngành đó có thể liên quan với nhau – ví dụ hai chuyên ngành khoa học xã hội như lịch sử và xã hội học. Hoặc có thể hoàn toàn khác nhau – sinh vật và văn học chẳng hạn. Thông thường sinh viên sẽ chọn nhiều hơn một chuyên ngành để có thể chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai tốt hơn hoặc tạo cho họ lợi thế để tranh tuyển vào chương trình sau đại học. Nhưng đôi khi họ chọn chuyên ngành đôi chỉ vì sở thích cá nhân của mình. Ở một số trường, hai chuyên ngành này có thể lấy cùng lúc, và ở trường khác, chuyên ngành đôi phải lấy liên tiếp nhau. Nói chung, thời gian lấy được bằng sẽ lâu hơn một tí, nhưng sinh viên không phải bắt đầu từng chuyên ngành lại từ đầu. Một số khóa giáo dục đại cương và không bắt buộc ở chuyên ngành này có thể được tính tiếp vào yêu cầu lấy bằng của chuyên ngành thứ hai.

Tất cả các trường đều định nghĩa rất rõ ràng những trông đợi và yêu cầu của khóa học mà sinh viên phải hoàn thành để được tốt nghiệp. Thông thường vào mỗi học kỳ, sinh viên đến gặp giảng viên hướng dẫn chuyện học tập để nhờ họ giúp chọn các khóa học được tính vào yêu cầu để lấy bằng. Hầu hết các trường cũng cung cấp công cụ giúp đỡ sinh viên, ví dụ như bảng liệt kê những mục cần kiểm tra về yêu cầu của chương trình hoặc bằng cấp.

Khi nào mới bắt đầu chọn chuyên ngành?

Có một số sinh viên khi vào đại học đã biết chính xác mình muốn học gì, một số nghĩ rằng họ biết, và một số không có khái niệm gì cả. Phần đông đều thay đổi chuyên ngành của mình ít nhất một lần.

Vì gần hai phần ba sinh viên đại học ở Hoa Kỳ đổi chuyên ngành trước khi tốt nghiệp và có thể phải đắn đo giữa bốn hoặc năm chuyên ngành trước khi ra quyết định chọn một chuyên ngành cuối cùng, nhiều trường thật sự thích sinh viên khoan công bố chuyên ngành của mình trước khi bắt đầu vào đại học hơn. Ngay cả ở những trường yêu cầu sinh viên tương lai phải xác định chuyên ngành khi nộp đơn, sinh viên thường cũng có thể đánh dấu vào ô tùy chọn chuyên ngành là “chưa quyết định” hoặc “chưa công bố”.

Vì sinh viên có rất nhiều thời gian để quyết định chọn chuyên ngành – đa số chương trình đào tạo cử nhân đều được thiết kế hoàn thành trong bốn năm với 120 tín chỉ học kỳ (xem phần đọc thêm) – sinh viên thường đợi đến năm thứ hai mới quyết định mà vẫn có thể lấy bằng đúng hạn. Dĩ nhiên, sinh viên chọn học cao đẳng cộng đồng (các trường học hai năm cấp bằng liên kết) phải chọn chuyên ngành sớm hơn nhiều. Và nếu sinh viên chọn chuyên ngành mà phần lớn các khóa học bắt buộc đều thuộc lĩnh vực của chuyên ngành chính (ví dụ các lĩnh vực công nghệ cao hoặc lĩnh vực sức khỏe) hoặc nếu có nhiều khóa tiên quyết (những khóa cơ bản sinh viên phải lấy trước khi được phép đăng ký khóa học nâng cao hơn) thì tốt hơn là sinh viên nên quyết định sớm.

Làm thế nào để chọn chuyên ngành?

Một số sinh viên rất say mê một môn học nào đó. Một số theo một lĩnh vực mà họ rất xuất sắc khi còn học trung học. Một số có những mục tiêu nghề nghiệp hướng họ theo chuyên ngành họ quyết định chọn; ví dụ như điều dưỡng, giáo viên, mỹ thuật điêu khắc, hoặc kỹ sư. Nhưng nhiều sinh viên cũng chưa biết chọn ngành nào. Vì họ có thể đã có khái niệm mình muốn làm gì sau khi ra trường, nên có thể họ không có khái niệm rõ ràng về lĩnh vực học tập nào sẽ giúp họ đạt được mục tiêu nghề nghiệp ấy tốt nhất. Cũng như thường chỉ có một chuyên ngành chính dẫn đến một nghề nghiệp cụ thể mà thôi. Thật vậy, nhiều trường còn thận trọng rằng chọn nghề và chọn ngành là hai quá trình hoàn toàn khác nhau.

Đa số các nhà giáo dục đều đồng ý rằng khi chọn chuyên ngành, sinh viên nên cân nhắc xem học thích làm gì, họ có khả năng gì, và họ thích học như thế nào. Các nguồn tham khảo giúp sinh viên chọn được chuyên ngành là từ chính các trường đại học và cao đẳng. Phần lớn các trường đều đăng lên trang web của mình rất nhiều thông tin và công cụ giúp các sinh viên tương lai và hiện tại chọn chuyên ngành. Trong khi một số trang web chú trọng hoàn toàn vào chương trình học và các dịch vụ của trường đó, nhiều trường khác đăng nhưng thông tin bổ ích có thể áp dụng ở bất cứ trường nào (xem phần đọc thêm).

Những lời khuyên thường được trích dẫn nhất:

  • Biết về bản thân mình càng nhiều càng tốt. Thế mạnh và điểm yếu trong học tập của bạn là gì? Bạn thích gì? Bạn quan tâm điều gì? Những gì là giá trị của bạn? Mục tiêu ngay sau khi tốt nghiệp của bạn là gì – kiếm việc làm hay học tiếp sau đại học?
  • Hãy làm một bản tóm tắt hoặc đánh giá về cá nhân hoặc mối quan tâm của mình. Qua chương trình EducationUSA, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mở hơn 450 trung tâm kiểu này trên 170 quốc gia [http://educationusa.state.gov]
  • Tham quan các trang web của các khoa trong trường đại học. Nhìn vào những chuyên ngành họ đưa ra. Phân tích các khóa học và yêu cầu để cấp bằng. Một số trường còn đăng chương trình học, bản mô tả đầy đủ các khóa học lên mạng. Bạn nên tìm hiểu về các loại khóa học và công việc yêu cầu đối với một chuyên ngành càng nhiều càng tốt.
  • Một khi đã ở Hoa Kỳ, bạn hãy đến văn phòng khoa trong khu học xá và nói chuyện với các nhân viên, giảng viên và sinh viên ở đấy.
  • Thăm các trung tâm hướng nghiệp của trường đại học và tìm những bản báo cáo liệt kê những nghề mà sinh viên vừa tốt nghiệp tìm được, cũng như chuyên ngành của sinh viên đó thuộc lĩnh vực nào.
  • Sau khi được tuyển, hãy thử theo học các khóa khác nhau ở nhiều khoa khác nhau. Tìm hiểu các giảng viên dạy các khóa chuyên ngành đấy và loại sinh viên được tuyển vào.
  • Nếu bạn nhận thấy mình chọn sai chuyên ngành, không nên lo lắng gì cả. Hầu như sinh viên nào học đại học ở Hoa Kỳ cũng đổi chuyên ngành cả. Đừng theo mãi một chuyên ngành bạn không thích hoặc chuyên ngành đó không mang tính thử thách và khuyến khích việc học.
  • Đừng nhầm lẫn giữa chọn nghề và chọn chuyên ngành. Bất cứ chuyên ngành nào cũng có thể giúp bạn chuẩn bị cho một số nghề nghiệp khác nhau. Theo như trang web của trường Đại học Tổng hợp bang Washington, “Giáo dục đại học giúp bạn chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai nhưng không giới hạn ở một nghề nghiệp cụ thể nào cả” [www.washington.edu/students/ugrad/advising/majchoos.html].

Ý kiến trình bày trong bài này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.

CHỌN NGÀNH VÀ CHỌN NGHỀ

Chọn ngành là công việc đầy thách thức. Quyển Cuốn sách về các chuyên ngành của Ban xuất bản Đại học mô tả hơn 900 chuyên ngành ở 3.600 trường đại học và cao đẳng. Ngoài nhiều đầu sách khác có thể giúp bạn tìm được chuyên ngành phù hợp với mình, trang web của các trường đại học cũng đáng để bạn tham khảo vì chúng cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích mà không tốn phí.

Tất cả các trường đại học và cao đẳng đều phát hành trên catalogue và trang web của mình những danh sách hoàn chỉnh các chuyên ngành và bằng cấp do họ cấp. Họ thường cung cấp rất nhiều thông tin, công cụ, và tư liệu liên quan đến việc hiểu biết và chọn ngành. Ví dụ như, trang web của trường Đại học Tổng hợp bang Minnesota cung cấp những thông tin sau dựa trên mối quan hệ giữa chuyên ngành và nghề nghiệp trong phần được đặt tên là “Sổ tay giúp bạn chọn và thay đổi chuyên ngành của bạn” [http://ucs1.umn.edu/www/majorworkbook.html]

Các loại chuyên ngành khác nhau

Một số chuyên ngành có tương quan chặt chẽ với việc chọn nghề, trong khi các ngành khác ít liên hệ trực tiếp hơn. Từ quan điểm phát triển nghề nghiệp, chuyên ngành có thể được chia thành ba loại:

Không định hướng nghề nghiệp cụ thể
Chuyên ngành không cụ thể không được định hướng theo một nghề nghiệp cụ thể hoặc lĩnh vực riêng biệt nào. Khi được kết hợp với kinh nghiệm liên quan và quá trình thực tập, một chương trình như thế sẽ dẫn đến bằng cấp có định hướng nghề nghiệp. Một số ví dụ thích hợp là lịch sử, khoa học chính trị, và xã hội học. Đối với một số sinh viên, những loại chuyên ngành này là sự chuẩn bị để tiếp tục học nâng cao, cả trong nghề nghiệp và trong đào tạo sau đại học.

Định hướng nghề nghiệp
Chuyên ngành định hướng nghề nghiệp được nhắm đến một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể nhưng không phải là một nghề nghiệp riêng biệt nào đó. Với chuyên ngành này, bạn sẽ có thể sẵn sàng bắt đầu công việc ở mức độ thực tập. Những ví dụ cho trường hợp này là báo chí, quản trị, hoặc toán.

Chuẩn bị cho nghề nghiệp
Chuyên ngành chuẩn bị cho nghề nghiệp đề cập đến sự chuẩn bị cụ thể cho một công việc hoặc nghề nghiệp riêng biệt. Những chương trình này thường được thiết kế nhằm đáp ứng các yêu cầu đào tạo về cấp phép hoặc chứng chỉ nghề nghiệp. Các ngành tiêu biểu là giáo dục, điều dưỡng hoặc kỹ sư.

Danh sách tiêu biểu các lĩnh vực học tập chủ yếu

Nông nghiệp
Khoa học nông nghiệp
Khoa học động vật
Khoa học cây và đất trồng
Kinh doanh nông nghiệp và Quản trị
Quản trị nông trại
Cơ khí nông nghiệp
Làm vườn
Khoa học thú y

Tin học
Khoa học máy tính và thông tin
Lập trình máy tính
Xử lý dữ liệu
Khoa học quản lý thông tin và Hệ thống
Toán computer
Khoa học thư viện
Bảo tàng và bảo tồn

Giáo dục
Giáo dục song ngữ/xuyên văn hóa
Giáo dục đặc biệt
Tư vấn
Giáo dục người lớn và người học lại
Giáo dục tiểu học
Giáo dục mầm non
Giáo dục phổ thông
Giáo dục đại học
Giáo dục nghệ thuật, âm nhạc và kịch nói
Giáo dục kinh tế gia đình
Giáo dục thể chất/sức khỏe/thể dục thẩm mỹ
Giáo dục khoa học
Giáo dục nghề nghiệp/công nghiệp
Giáo dục thương mại
Giáo dục giáo viên ngoại ngữ
Giáo dục khoa học tổng hợp
Giáo dục toán
Giáo dục khoa học xã hội
Giáo dục tin học
Giáo dục tôn giáo

Kỹ sư
Kỹ sư hàng không không gian
Kỹ sư du hành vũ trụ
Kỹ sư nông nghiệp
Kỹ sư kiến trúc
Công nghệ sinh học
Kỹ sư sinh hóa
Kỹ sư gốm
Kỹ sư hoá
Cơ khí dân dụng
Kỹ thuật truyền thông
Kỹ thuật máy tính
Kỹ sư điện
Kỹ sư điện tử
Kỹ sư địa chất
Kỹ sư địa vật lý
Kỹ sư công nghiệp và thiết kế
Kỹ sư vật liệu
Kỹ sư máy móc
Cơ khí luyện kim
Cơ khí mỏ và khoáng chất
Cơ khí hàng hải
Cơ khí hải quân
Cơ khí dầu mỏ
Khoa học đo đạc và bản đồ
Phân tích hệ thống và kỹ sư

Công nghệ liên quan đến cơ khí
Vẽ thiết kế
Công nghệ và cơ khí tự động
Công nghệ điện
Công nghệ điện máy
Công nghệ môi trường/kiểm soát năng lượng
Cơ khí máy móc
Công nghệ an toàn và sức khoẻ lao động
Công nghệ xây dựng và nhà cao tầng
Vận tải hàng không
Vận tải/Kho vận

Ngữ văn Anh
Tiếng Anh
Các môn học và ngành cổ điển học
Văn học so sánh
Viết sáng tạo
Ngôn ngữ học
Văn học Mỹ
Văn học Anh
Nghiên cứu Tu từ học
Viết trong kỹ thuật và kinh doanh

Nghiên cứu dân tộc
Nghiên cứu châu Phi
Nghiên cứu châu Mỹ
Nghiên cứu châu Á và khu vực Thái Bình Dương
Nghiên cứu châu Âu
Nghiên cứu châu Mỹ Latinh
Nghiên cứu Trung Đông
Nghiên cứu người da đen
Nghiên cứu người Mỹ da đỏ
Nghiên cứu người Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha
Nghiên cứu đạo Hồi
Nghiên cứu đạo Do Thái và người Do Thái

Ngoại ngữ
Ngoại ngữ/Văn học
Tiếng Trung Quốc
Tiếng Nhật bản
Ngôn ngữ ở châu Á
Tiếng Đức
Tiếng Scandanavi
Tiếng Pháp
Tiếng Ý
Tiếng Tây Ban Nha
Tiếng Bồ Đào Nha
Tiếng Latinh
Tiếng Hy Lạp
Tiếng Hebrew (Do Thái cổ)
Ngôn ngữ vùng Trung Đông
Tiếng Nga
Tiếng Slave (khác tiếng Nga)

Nghiên cứu tổng hợp và liên ngành
Nhân văn
Hòa giải xung đột/nghiên cứu hòa bình
Nghiên cứu phụ nữ
Nghiên cứu tự do/tổng hợp
Nghiên cứu đa/liên ngành
Các chuyên ngành cá tính hóa

Toán học
Toán học
Khoa học thống kê bảo hiểm
Toán ứng dụng
Thống kê

Khoa học quân sự và dịch vụ bảo vệ
Khoa học quân sự
Công bằng tội phạm và luật pháp
Thi hành luật lệ
An toàn và phòng cháy chữa cháy

Công viên và các nguồn giải trí
Quản trị công viên
Nghiên cứu thể thao, giải trí và thư giãn
Nghiên cứu cưỡi ngựa
Quản lý bảo tồn và bảo vệ
Sản xuất và chế biến lâm sản
Lâm học
Quản lý động vật hoang dã và cá
Khoa học sinh thái
Khoa học môi trường

Triết học, tôn giáo và thần học
Triết học
Tôn giáo và thần học
Triết học và tôn giáo
Ngôn ngữ kinh thánh
Nghiên cứu kinh thánh
Giáo dục tôn giáo
Âm nhạc tôn giáo
Quản lý đoàn mục sư và nhà thờ

Công vụ và luật pháp
Luật hình sự
Thực thi luật pháp
Hành chính quản trị
Công tác và dịch vụ xã hội
Tiền luật
Hỗ trợ pháp lý

Khoa học
Sinh học
Hóa sinh
Lý sinh
Thực vật học
Sinh học tế bào và phân tử
Vi sinh/vi trùng học
Động vật học
Sinh học biển
Sinh học chuyên hóa
Vật lý học
Thiên văn học
Vật lý học thiên thể
Khoa học khí quyển và địa chất học
Hóa học
Khoa học địa chất
Vật lý học
Khoa học trái đất và không gian
Công nghệ khoa học

Khoa học xã hội
Nhân chủng học
Khảo cổ học
Tội phạm học
Kinh tế học
Địa lý học
Quản lý
Lịch sử
Quan hệ quốc tế
Khoa học chính trị
Tâm lý học
Xã hội học
Nghiên cứu đô thị

Nghệ thuật hình ảnh và trình diễn
Nghề thủ công
Khiêu vũ
Thiết kế
Nhiếp ảnh
Nghệ thuật kịch nói
Nghệ thuật phim ảnh
Nghệ thuật tạo hình
Âm nhạc
Thiết kế nội thất

(Danh sách do www.A2Zcolleges.com biên soạn)

NIÊN HỌC

Hầu hết các chương trình đào tạo cử nhân đều được thiết kế hoàn thành trong bốn năm học tập trung. Sinh viên lấy bằng cử nhân sẽ đi làm hoặc tiếp tục học lên bậc sau đại học. Các bằng dạng liên kết thường do cao đẳng cộng đồng (hoặc trung học chuyên nghiệp) cấp được thiết kế hoàn thành trong hai năm học tập trung. Sinh viên lấy bằng hai năm sẽ đi làm hoặc chuyển tiếp lên đại học ở các trường bốn năm.

Hầu hết niên học đều bao gồm hai học kỳ, mỗi học kỳ kéo dài 15 tuần*.

Niên học thường bắt đầu vào tháng tám hoặc tháng chín và kết thúc vào tháng năm hoặc tháng sáu, giữa hai học kỳ có một kỳ “nghỉ đông” ngắn, thường vào tháng mười hai hoặc tháng một. Học kỳ hè có thể được tổ chức vào tháng sáu, bảy, và/hoặc tháng tám, nhưng việc tuyển sinh mùa hè ở bậc đại học thường không bắt buộc.

“Năm học”
Freshman: sinh viên năm nhất
Sophomore: sinh viên năm hai
Junior: sinh viên năm ba
Senior: sinh viên năm tư

* Các lịch phổ biến khác còn có hệ thống “quý ba tháng” trong đó chia làm ba học kỳ bằng nhau, mỗi học kỳ kéo dài từ 10 đến 12 tuần và “quý bốn tháng” gồm bốn học kỳ bằng nhau, mỗi học kỳ kéo dài 10 tuần. Sinh viên phải tham dự ba phần tư thời gian mới được coi là học đầy đủ.

CÁC YÊU CẦU ĐỐI VỚI BẰNG CỬ NHÂN

Đa số bằng cử nhân đều bao gồm 120 tín chỉ (đối với hệ thống quý bốn tháng là 180 tín chỉ). Bà Margaret Schatzman thuộc Cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục ở Milwaukee, bang Wisconsin, đã phát triển các loại tín chỉ sau.

Sinh viên đại học hệ tập trung dài hạn nói chung phải tham dự ít nhất 15 giờ tín chỉ một học kỳ, nghĩa là 30 tín chỉ một năm học.

Sinh viên năm nhất: 1 đến 30 tín chỉ
Sinh viên năm hai: 31 đến 60 tín chỉ
Sinh viên năm ba: 61 đến 90 tín chỉ
Sinh viên năm tư: 91 đến 120 tín chỉ

GIAI ĐOẠN HỌC LÝ THUYẾT

Một tín chỉ tương đương 50 phút lên lớp (thời gian có mặt ở lớp) một tuần cho một học kỳ (15 tuần). Hầu hết các khóa lý thuyết ở đại học chiếm từ ba đến năm tín chỉ một khóa. Vì vậy, sinh viên phải đến lớp một tuần ba lần để đạt đủ 50 phút cho mỗi khóa học ba tín chỉ. Đa số sinh viên phải học năm khóa để đạt tổng cộng 15 tín chỉ. Vì thế, sinh viên buộc có mặt ở lớp khoảng 15 giờ một tuần. Ngoài giờ lên lớp, sinh viên còn phải chuẩn bị bài vở, trong đó có việc đọc, bài tập về nhà, nghiên cứu ở thư viện, và chuẩn bị kiểm tra vấn đáp và kiểm tra viết.

GIAI ĐOẠN THỰC HÀNH Ở PHÒNG THÍ NGHIỆM, BÀI THỰC HÀNH HOẶC Ở XƯỞNG VẼ (MỸ THUẬT, VẼ, SƠN,…)

Một tín chỉ tương đương với 100 hoặc 200 phút lên lớp (thời gian học ở lớp hoặc ở phòng thí nghiệm) một tuần trong một học kỳ. Nói cách khác, để đạt một tín chỉ trong giai đoạn này, sinh viên phải có mặt ở phòng thí nghiệm, làm bài thực hành, hoặc ở xưởng vẽ nhiều hơn hai đến bốn lần so với giai đoạn học lý thuyết. Giai đoạn này ít đòi hỏi phải chuẩn bị bài và làm bài tập. Ví dụ, đối với một khóa thực hành ở phòng thí nghiệm 2 tín chỉ, sinh viên cần có mặt ở phòng thí nghiệm ít nhất hai lần một tuần cho hai tiết 50 phút cho mỗi lần.

CÁC TRANG WEB CẦN QUAN TÂM

Đây chỉ là một vài trong rất nhiều trang web của các trường đại học ở Hoa kỳ cung cấp những thông tin hữu ích cho các sinh biên tương lai (các trang này do tác giả đề nghị)

Đại học Tổng hợp bang California ở Berkeley

[http://ls-advice.berkeley.edu/choosingmajor/intro.html] định nghĩa chuyên ngành là gì, mô tả cách chuẩn bị và đăng ký chuyên ngành vào cuối năm thứ hai, xem xét một số điều không đúng sự thật về chuyên ngành và định hướng nghề nghiệp, và đưa ra những lời khuyên về đặt mục tiêu cá nhân.

Đại học Tổng hợp bang Minnesota [http://ucs1.ucs.umn.edu/www/majorworkbook.html] đăng một sách bài tập trực tuyến bao gồm một bản tóm tắt các mối quan tâm, kỹ năng, giá trị, và các “loại” cá tính do TS. John Holland đưa ra, có thể giúp sinh viên hiểu rõ hơn về “loại” của mình và ngành nào thích hợp nhất.

Đại học Công lập bang Oklahoma [http://home.okstate.edu/homepages.nsf/toc/chp15_1] biên soạn một tài liệu tham khảo “101 điều về chuẩn bị vào đại học” bao gồm những lời khuyên bao quát về những việc sinh viên nên làm trước khi bắt đầu vào đại học và những gì họ cần biết sau khi bắt đầu việc học. Trang web này còn có một phần về chọn chuyên ngành.

Đại học Công lập bang Pennsylvania [http://www.psu.edu/dus/md/andmisper.htm] bàn về những quan niệm sai lầm về chuyên ngành; ví dụ như, chọn chuyên ngành và chọn nghề nghiệp khác nhau như thế nào và chọn chuyên ngành không có nghĩa là bỏ mặc tất cả các ngành khác ra sao.

Đại học Tổng hợp bang Pennsylvania

[http://www.college.upenn.edu/curriculum/major_factor.html] đưa ra một bản liệt kê những mục cần kiểm tra giúp sinh viên xác định mối quan tâm, động cơ và mục tiêu của mình.

==============================================

Linda Tobash

*****************************************

Nguồn:

Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11/2005 - Bản dịch của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam


Share on Google Plus

About Unknown

250 x 250
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét