model trains for beginners 728 x 90 728 x 90

HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN – NHỮNG VƯỜNG MẮC

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

số : /2006/ CĐDS

CHUYÊN ĐỀ DÂN SỰ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN – NHỮNG VƯỜNG MẮC

VỀ ĐƯỜNG LỐI GIẢI QUYẾT

*****

Trong thời gian qua, do áp dụng đúng các quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) và hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) nên việc giải quyết các tranh chấp dân sự về hợp đồng vay tài sản của ngành Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (TAND TPHCM) đã có sự chuyển biến tích cực: giảm tỉ lệ bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm sửa án, hủy án; các bản án có hiệu lực pháp luật cũng ít sai sót nên tỉ lệ án bị giám đốc cũng giảm nhiều.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây (năm 2005 và 08 tháng đầu năm 2006), các Toà án nhân dân quận huyện (TAND Q-H) đã đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, ví dụ như các trường hợp sau: hợp đồng vay tài sản do các đưong sự ký kết bị biến tướng thành hợp đồng dân sự khác (giả tạo) nhưng lại được chính pháp luật dân sự thừa nhận khi phát sinh tranh chấp; trường hợp xác định vợ, chồng phải liên đới nghĩa vụ dân sự khi giải quyết hợp đồng vay tài sản có giá trị lớn thì việc áp dụng nguyên tắc tương tự giữa Tòa án hai cấp có quan điểm khác nhau; trường hợp thực hiện hợp đồng vay tài sản có bảo lãnh của người khác hoặc chuyển giao nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng vay tài sản … Khi giải quyết một số loại tranh chấp này thì giữa các toà án vẫn có sự khác nhau về việc áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự.

Những vướng mắc nêu trên cần được thảo luận và qua đó đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND TPHCM kết luận hoặc kiến nghị TANDTC có văn bản hướng dẫn. Vì vậy, TAND TPHCM xây dựng chuyên đề “Hợp đồng vay tài sản - những vướng mắc về đường lối giải quyết”. Đề nghị Toà chuyên trách, Phòng nghiệp vụ và các TAND Q-H nghiên cứu, tham gia thảo luận nhằm làm rõ các quan hệ, đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc nêu trên.

I. HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN:

1/Theo quy định tại các điều 474 và 475 (BLDS 1995) và điều 477 và 478 (BLDS 2005) thì hợp đồng vay tài sản gồm có 02 loại như sau:

-Hợp đồng vay không kỳ hạn: bao gồm hai loại là vay không kỳ hạn không có lãivay không kỳ hạn có lãi.

-Hợp đồng vay có kỳ hạn: bao gồm hai loại là vay có kỳ hạn không có lãivay có kỳ hạn có lãi.

Đối với mỗi loại hợp đồng vay tài sản nêu trên thì luật quy định khác nhau về đường lối giải quyết: về thời hạn trả nợ, về lãi suất áp dụng….Nếu so sánh giữa hai BLDS (năm 1995 và 2005) quy định về vấn đề này thì chúng ta thấy rằng cả hai bộ luật thống nhất với nhau về cơ bản. Sự khác biệt lớn nhất là khác biệt về lãi suất áp dụng khi giải quyết loại tranh chấp này và cách tính lãi khi quá hạn vay. Ví dụ: khoản 5 điều 471 BLDS 1995 quy định về trách nhiệm của người vay không trả nợ đúng hạn “…phải trả lãi trên nợ gốc và lãi theo lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nhà nước…”; tương ứng là khoản 5 điều 474 BLDS 2005; điều khoản này quy định như sau “….phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố…”.

Theo ví dụ như trên thì chúng ta có thể tính như sau:

-A cho B vay 10.000.000 đồng, hạn vay 03 tháng, lãi suất 1%/tháng. Hợp đồng xác lập vào ngày 10/02/2003, đến hết ngày 10/05/2003 là hết thời hạn thanh toán. Vào ngày 10/06/2003, A khởi kiện. Sau khi thụ lý thì Toà án mở phiên xử vào ngày 12/08/2003.

Nếu theo quy định của BLDS 1995 thì chúng ta tính lãi như sau:

-Lãi trong hạn từ ngày 10/02/2003 đến ngày 10/05/2003: (10.000.000 đồng x 1%) x 03 tháng = 300.000 đồng.

-Lãi quá hạn tính từ ngày 11/05/2003 đến ngày xét xử 12/08/2003 theo lãi suất nợ quá hạn (tức là 150% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định) tính trên số tiền vốn 10.000.000 đồng.

Nếu theo quy định của BLDS 2005 thì chúng ta tính lãi như sau:

-Lãi trong hạn từ ngày 10/02/2003 đến ngày 10/05/2003: (10.000.000 đồng x 1%) x 03 tháng = 300.000 đồng.

-Lãi quá hạn tính từ ngày 11/05/2003 đến ngày xét xử 12/08/2003 theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố (tức là 150% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định) tính trên số tiền vốn 10.000.000 đồng + tiền lãi trong hạn là 300.000 đồng.

(Đề nghị các đ/c thảo luận về cách tính nêu trên).

2/Điều 163 Bộ luật dân sự năm 2005 đã xác định tài sản là: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2005 đã nêu khái niệm về hợp đồng vay tài sản như sau: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có qui định”. Bộ luật dân sự năm 2005 không qui định về hình thức của hợp đồng vay tài sản.

Vấn đề cần trao đổi:

1/Việc mượn đất (quyền sử dụng đất) để khai thác lợi ích trên đất:

A thỏa thuận mượn (vay) quyền sử dụng lô đất nông nghiệp (hoặc đất lâm nghiệp) thuộc quyền sử dụng của B để trồng sắn trong thời hạn 02 năm. (B có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân Tỉnh H cấp hợp pháp năm 2000). B không lấy lãi hoặc lợi nhuận % từ hoa màu do A khai thác trong thời gian mượn đất. Đến hạn, A không trả đất nên B khởi kiện.

Trong trường hợp này thì chúng ta xác định quan hệ tranh chấp giữa hai bên là quan hệ gì?

Xem điều 185, 515, 516 (BLDS 1995), điều 178, 512, 513 (BLDS 2005).

2/ Việc vay, mượn bằng ngoại tệ:

-Giải quyết hợp đồng vay tài sản mà tài sản giao dịch là ngoại tệ thì cách giải quyết như thế nào? Trường hợp nào có tính lãi và trường hợp nào thì không tính lãi ?Trường hợp thì được phép tịch thu ngoại tệ giao dịch?

- Trường hợp hợp đồng vay tài sản bằng ngoại tê nhưng đã được các bên thỏa thuận quy đổi thành tiền Việ Nam tại thời điểm giao dịch, có được xem là hợp đồng vay tài sản không? Cách tính lãi như thế nào?

Xem điều 136, 137, 146 (BLDS 1995); điều 127, 128, 137 (BLDS 2005) và câu thứ 3, phần III văn bản số 81/2002/TANDTC ngày 10/06/2002 của TANDTC.

II.HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN CÓ BẢO ĐẢM CỦA NGƯỜI THỨ BA:

1/ Trường hợp bên vay tài sản chết mà không để lại di sản thừa kế thì nguyên đơn có quyền khởi kiện người thừa kế để đòi lại tài sản không? Trường hợp bên vay không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì nguyên đơn có quyền khởi kiện người bảo lãnh được không?

Trường hợp bên nhận nghĩa vụ trả nợ cho bên vay nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay. Nguyên đơn có quyền khởi kiện bên nào? Bên người vay hay người nhận nghĩa vụ trả nợ cho người vay?

Ví dụ: Ông H ký hợp đồng vay 20 lượng vàng SJC của ông K với thời hạn 12 tháng, lãi suất 3%/ tháng. Hợp đồng vay tài sản ký 30/9/2004, ông H đã trả được 03 tháng tiền lãi. Ngày 01/01/2005 ông H bị bệnh và mất; bà Y (là vợ) và 02 con là M, N là người được hưởng di sản thừa kế của ông H gồm có: 01 căn nhà tại đường X, quận Y; số dư nợ 250.000.000 đồng của ông H đối với Công ty TNHH TM-DV Z. Về số tiền này thì công ty ký biên bản, thoả thuận trả nợ thay cho các thừa kế của ông H (biên bản lập ngày 30/06/2005) nhưng sau đó công ty thực hiện.

Ông K nhận thấy bà Y và 02 con là M, N vẫn còn khả năng trả được nợ nên đã kiện ra Toà án nhân dân quận 10.

Bản án sơ thẩm đã nhận định rằng bà Y và 02 người con M, N là người thừa kế hợp pháp của ông H nên phải có nghĩa vụ trả nợ cho ông K. Mặc dù trước đó giữa công ty Z và bà Y cùng 02 người con là M, N đã thỏa thuận chuyển nghĩa vụ trả nợ cho công ty nhưng hai bên đã không thực hiện. Vì vậy, sự thỏa thuận đó là vô hiệu, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Ông K kiện bà Y và các thừa kế là có cơ sở nên Toà án đã chấp nhận yêu cầu nguyên đơn, buộc bà Y và 02 thừa kế là M, N phải trả nợ cho ông K. Sau đó, bà Y có quyền khởi kiện công ty Z để đòi số dư nợ của ông H là 250.000.000 đồng.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Y kháng cáo. Bản án phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Về vụ án nêu trên thì có 02 quan điểm trái ngược nhau: -quan điểm thứ nhất đồng ý với bản án phúc thẩm; quan điểm thứ hai trái ngược với quan điểm thứ nhất, cho rằng phải bác yêu cầu ông K vì đã có sự thỏa thuận giữa ông K, công ty Z và bà Y cùng hai người con là M, N. Vì vậy ông K chỉ được quyền khởi kiện công ty Z để đòi 20 lượng vàng SJC. Tòa Dân sự đồng ý với quan điểm thứ nhất nhưng đề nghị các Toà án quận, huyện có ý kiến trao đổi thêm.

2/ Trường hợp bên nhận nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay đã thực hiện được một phần nghĩa vụ trả nợ rồi sau đó không trả tiếp. Nguyên đơn có quyền khởi kiện người vay hay không?

Xem từ điều 315 đến 323; 366 đến 376 (BLDS 1995); từ điều 309 đến 317; 361 đến 371 (BLDS).

III. LÃI SUẤT TRONG HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN:

Điều 476 Bộ luật dân sự 2005 đã quy định rằng lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Vấn đề cần trao đổi :

Đối với vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản đã thụ lý trước ngày 01/01/2006 nhưng đến nay (sau ngày 01/01/2006) mới giải quyết thì áp dụng điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 hay áp dụng Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/06/1997 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tư Pháp và Bộ tài chính để tính lãi suất quá hạn trong hợp đồng vay tài sản?

Đề nghị các đồng chí nghiên cứu điều 305 Bộ luật dân sự 2005 qui định về trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự để trao đổi về vấn đề nêu trên.

Xem các điều 313, từ điều 467 đến 475 (BLDS 1995); điều 305, từ điều 471 đến 478 (BLDS 2005) và xem thông tư liên tịch số 01/19/06/1997 của TANDTC, VKSNDTC, BTP và BTC.

IV.HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN VÀ NHỮNG BIẾN TƯỚNG:

Thời gian gần đây, qua công tác xét xử và hướng dẫn trao đổi kinh nghiệm xét xử, TAND TPHCM phát hiện nhiều vụ án dân sự về hợp đồng vay tài sản nhưng khi thực hiện giao dịch thì bên cho vay yêu cầu bên vay phải ký kết dưới dạng là hợp đồng đặt cọc mua bán nhà hoặc hợp đồng mua bán nhà. Đồng thời, bên cho vay thu giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bên vay. Khi đến thời hạn trả nợ, nếu bên vay không trả vốn và lãi thì bên cho vay yêu cầu tiến hành thủ tục mua bán nhà; nếu không đạt kết quả thì họ khởi kiện ra Toà án và tranh chấp hợp đồng mua bán nhà (hoặc hợp đồng đặt cọc mua bán nhà). Khi giải quyết những vụ án này, chúng tôi nhận thấy rằng nguyên đơn có nhiều sự thuận lợi về chứng cứ (do các chứng cứ này đã được chứng thực hoặc công chứng) và thường được Toà án chấp nhận yêu cầu của họ cho dù Toà án biết rất rõ đó là hợp đồng giả tạo để che giấu một hợp đồng khác. Lãi suất trong các hợp đồng này thường rất cao và vượt quá lãi suất cơ bản qui định tại điều 476 BLDS 2005.

Vấn đề cần trao đổi:

1/ Khi tiến hành thu thập và đánh giá chứng cứ trong các hợp đồng đặt cọc mua bán nhà hoặc mua bán nhà, nếu có đủ chứng cứ để kết luận hợp đồng đặt cọc mua bán nhà hoặc mua bán nhà là giả tạo thì Toà án có thể áp dụng các qui định của BLDS để tuyên bố vô hiệu và chuyển sang xét xử hợp đồng vay tài sản với lãi suất cơ bản để buộc bên vay trả cho nguyên đơn.

2/ Nếu có đủ chứng cứ kết luận hợp đồng đặt cọc mua bán nhà hoặc mua bán nhà là hợp đồng giả tạo thì Toà án chỉ tuyên bố hợp đồng vô hiệu và xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu mà không giải quyết hợp đồng vay tài sản có được không?

Đây là những vấn đề biến tướng và phát sinh trong loại án hợp đồng vay tài sản có thế chấp. Đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND TPHCM xem xét và có kiến nghị Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết loại án này.

Xem từ điều 130 đến 146 (BLDS 1995); từ điều 121 đến 137 (BLDS 2005).

V. XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI CỦA VỢ, CHỒNG ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN :

Điều 25 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 200o quy định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch dân sự do một bên thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay thì chỉ có một căn cứ duy nhất để có thể xác định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện, đó là “….nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”. Thực tế xét xử cho thấy rằng nguyên đơn thường không đủ chứng cứ để có thể chứng minh khoản tiền mà họ cho vay đã được bị đơn sử dụng để “….nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”. Vì vậy, thông thường thì Toà án chỉ buộc được một bên (vợ hoặc chồng) phải trả nợ cho nguyên đơn. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là sau khi giải quyết những vụ án này (chỉ xác định vợ hoặc chồng có nghĩa vụ trả nợ), việc thi hành án sẽ không thể thực hiện được vì người vợ (hoặc chồng) không chấp nhận bán tài sản chung để cho người kia thi hành án. Trong những trường hợp đó thì cơ quan thi hành án thường phải chờ vợ chồng họ tự phân chia tài sản hoặc phải chờ bản án Toà án (xét xử phân chia tài sản chung của vợ chồng) để có căn cứ thi hành án; nếu họ không tự phân chia hoặc không yêu cầu Toà án phân chia thì việcthi hành án sẽ bị kéo dài, gây thiệt hại cho nguyên đơn.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Toà Dân sự đề xuất phương án lấy giá trị tài sản giao dịch để làm căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của người chồng (hoặc vợ) trong vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản mà chỉ có chồng (hoặc vợ) giao kết với nguyên đơn. Tiếp đó, căn cứ vào giá trị tài sản giao dịch, Toà án có thể đánh giá chứng cứ để từ đó xác định trách nhiệm liên đới của cả hai vợ chồng đối với nguyên đơn trong qun hệ vay tài sản.

Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 qui định tài sản chung của vợ chồng. Khoản 2, 3 điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 qui định việc thỏa thuận bàn bạc của vợ chồng trong việc sử dụng tài sản chung có giá trị lớn.

Vấn đề cần trao đổi:

1/Trong các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, trong trường hợp nào thì xác định tài sản có giá trị lớn? Nếu đã xác định tài sản có giá trị lớn thì khi thụ lý Toà án có cần phải triệu tập vợ (hoặc chồng) của bị đơn (là người vay tài sản) vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hay không? Trong trường hợp nào thì cả vợ (chồng) của người vay tài sản được xác định là đồng bị đơn?

Ví dụ: bản án DS ST số 26/DSST ngày 22/8/2005 của Toà án nhân dân quận T xét xử tranh chấp về hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị B và bị đơn là Phan Thị A; số nợ này là 20.000.000 đồng. Vì cho rằng khoản tiền này là tài sản có giá trị lớn và là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, nên Toà án đã triệu tập ông Dương Đ. K (chồng bà A) vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Bản án sơ thẩm tuyên buộc bà A và ông K liên đới trả số nợ cho nguyên đơn.

Bản án phúc thẩm dân sự số …….. ngày 05/12/2005 của TAND TPHCM đã nhận định rằng số nợ của bị đơn đối với nguyên đơn không phải là tài sản có giá trị lớn nên đã sửa án sơ thẩm, xác định chỉ có bị đơn phải chịu trách nhiệm trả nợ cho nguyên đơn.

Cũng bà A là bị đơn trong một vài vụ án do các Toà án quận, huyện khác thụ lý giải quyết như: TA P, TA T… Khi xét xử phúc thẩm thì có bản án phúc thẩm sửa (theo hướng không đưa cồng bị đơn tham gia tố tụng) nhưng cũng có bản án phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm.

Đề nghị các đồng chí trao đổi về việc này và Ủy ban thẩm phán sẽ kết luận.

Toà Dân sự đề xuất: lấy giá trị tài sản từ 20.000.000 đồng trở lên để làm căn cứ xác tư cách tham gia tố tụng của đương sự trong các trường hợp nêu trên (là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan)

2/ Trong trường hợp tranh chấp hợp đồng vay tài sản có giá trị lớn, nguyên đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo qui định tại điểm 6,7,8, 10, 11 điều 102 Bộ luật tố tụng Dân sự thì người có yêu cầu phải gửi một khoản tiền, kim khí đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện.

Khoản 2 điều 120 BLTTDS quy định rằng khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải được gửi vào tài khoản phong toả tại ngân hàng nơi có trụ sở Toà án đã quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng luật không nói rõ là loại ngân hàng nào (ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần….).

Ví dụ: Toà án nhân dân quận 1 hoặc Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có trụ sở tại quận 1. Tại địa bàn này có rất nhiều ngân hàng đặt trụ sở. Vậy thì Tòa án sẽ chọn ngân hàng nào?

Đề nghị các Toà án nhân dân quận, huyện và Toà chuyên trách có ý kiến để Ủy ban thẩm phán TAND TPHCM thống nhất hướng dẫn.

Xem từ điều 99 đến 126 BLTTDS và nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/04/2005 của HĐTP TATC.

Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh rất mong các Toà án nhân dân quận, huyện nghiên cứu và tham gia ý kiến thảo luận. Nếu phát hiện có những vấn đề mới có vướng mắc cần trao đổi thì đề nghị các đồng chí bổ sung thêm để Ủy ban thẩm phán TAND TPHCM kịp thời có hướng dẫn. Trên cơ sở đó, chúng tôi mong rằng toàn ngành TAND TPHCM sẽ từng bước nâng cao chất lượng xét xử án dân sự, nhất là loại án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản.

TOÀ DÂN SỰ

Nơi nhận:

- Đc Chánh án

- Ủy ban thẩm phán

- Các bộ phận

- Toà án quận, huyện

- Lưu VP- DS

Share on Google Plus

About Unknown

250 x 250
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét