model trains for beginners 728 x 90 728 x 90

KIỂM SÁT VIÊN THAM GIA PHIÊN TOÀ DÂN SỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

TRẦN VĂN TRUNG

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kiểm sát - VKSNDTC

Kiểm sát viên tham gia phiên toà dân sự là một trong những nội dung quan trọng trong những quy định về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, thẩm quyền của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự. Đây không phải là một vấn đề mới đối với pháp luật tố tụng dân sự các nước và nước ta(1) nhưng đây lại là một trong những vấn đề mà Bộ luật Tố tụng Dân sự có nhiều quy định mới so với pháp luật tố tụng dân sự các nước khác và của nước ta trước đây. Xung quanh vấn đề này, có khá nhiều nội dung cần trao đổi và làm rõ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trao đổi về một số khía cạnh cơ bản của vấn đề này nhằm góp phần nhận thức đúng và áp dụng đúng các quy định này của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

1. Nguyên tắc áp dụng các điều luật của Bộ luật Tố tụng Dân sự về vấn đề Viện kiểm sát (Kiểm sát viên) tham gia phiên toà dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự trong tình trạng có sự không thống nhất giữa các quy định này

Vấn đề Kiểm sát viên tham gia phiên toà dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự tại các điều 21, 207, 264, 266, 280, 292, 310, 313, 355, 359, 363, 369, 373 của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Tìm hiểu các điều luật này, chúng tôi thấy có sự không thống nhất giữa các quy định trong các điều luật về cùng một vấn đề.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì Viện kiểm sát tham gia phiên toà dân sự trong những trường hợp sau đây:

- Những vụ án dân sự do Toà án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại;

- Các việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án;

- Các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Toà án.

Tuy nhiên, tại các điều 264, 292, 310 Bộ luật Tố tụng Dân sự lại có những quy định khác về các trường hợp Viện kiểm sát hoặc Kiểm sát viên tham gia phiên toà dân sự. Theo quy định tại khoản 2 Điều 264 thì Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp không chỉ có nghĩa vụ tham gia phiên toà phúc thẩm trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị mà cả trong trường hợp Viện kiểm sát đã tham gia phiên toà sơ thẩm. Còn theo quy định tại khoản 1 Điều 292 thì Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia tất cả các phiên toà giám đốc thẩm chứ không chỉ trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị (chính xác là Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Đối với phiên toà tái thẩm dân sự cũng như vậy (Điều 310).

Như vậy là đã có sự không thống nhất giữa các điều luật về quy định các trường hợp Kiểm sát viên tham gia phiên toà phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Ngoài ra, còn có tình trạng thiếu thống nhất khi quy định nghĩa vụ tham gia phiên toà dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự của Kiểm sát viên: nhiều điều luật chỉ quy định Kiểm sát viên có nhiệm vụ tham gia phiên toà (các điều 207, 280, 292) nhưng lại có một số điều luật khác lại quy định rõ hậu quả pháp lý trong trường hợp Kiểm sát viên không có mặt tại phiên toà thì phải hoãn phiên toà (các điều 266, 313, 355, 369). Như vậy, có thể hiểu là trong các phiên toà sơ thẩm (Điều 207), giám đốc thẩm (Điều 292) và tái thẩm (Điều 310) và phiên họp phúc thẩm các quyết định của Toà án sơ thẩm (Điều 280) nếu Kiểm sát viên không có mặt thì cũng không cần hoãn phiên toà không? Chúng tôi cho rằng không thể hiểu như vậy được, ít nhất là đối với các phiên toà giám đốc thẩm và tái thẩm.

Trong tình trạng có sự thiếu thống nhất giữa các quy định như đã nêu trên, chúng tôi cho rằng, cần hiểu và áp dụng một cách tổng hợp các quy định này chứ không nên hiểu và áp dụng đơn lẻ từng điều luật. Và như vậy, Kiểm sát viên sẽ tham gia phiên toà xét xử vụ án dân sự và phiên họp giải quyết việc dân sự trong những trường hợp sau đây:

- Đối với phiên toà xét xử vụ án dân sự theo thủ tục sơ thẩm: Kiểm sát viên tham gia phiên toà đối với những vụ án do Toà án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Toà án (khoản 2 Điều 21).

- Đối với phiên toà xét xử vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm: Kiểm sát viên tham gia phiên toà trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc đã tham gia phiên toà sơ thẩm. Kiểm sát viên cũng tham gia phiên toà đối với những vụ án do Toà án thu thập chứng cứ trong giai đoạn phúc thẩm mà đương sự có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Toà án (khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 264).

- Đối với phiên họp phúc thẩm quyết định của Toà án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị: Kiểm sát viên phải tham gia tất cả các phiên họp (khoản 2 Điều 280).

- Đối với phiên toà xét xử vụ án dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm: Kiểm sát viên phải tham gia tất cả phiên toà (khoản 1 Điều 292, Điều 310).

- Đối với phiên họp giải quyết việc dân sự: sự tham gia của Kiểm sát viên là bắt buộc; nếu vắng mặt phải hoãn phiên họp (khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 313, khoản 2 Điều 355, khoản 2 Điều 369).

Trong trường hợp pháp luật quy định Kiểm sát viên tham gia phiên toà dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự mà Kiểm sát viên vắng mặt thì cần phải hoãn phiên toà, phiên họp.

2. Cần hiểu như thế nào về khiếu nại của đương sự về việc thu thập chứng cứ của Toà án

Theo quy định của khoản 2 Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự, trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp theo luật định để thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 94 thì Toà án hoàn toàn có quyền từ chối yêu cầu thu thập chứng cứ của đương sự nếu cho rằng yêu cầu đó là không chính đáng. Đồng thời, Toà án cũng có thể tự mình thu thập chứng cứ trong một số trường hợp như: tiến hành lấy lời khai của người làm chứng khi xét thấy cần thiết (khoản 1 Điều 87); tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa người làm chứng với nhau khi xét thấy có sự mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng (khoản 1 Điều 88); hoặc ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp trong trường hợp các bên thoả thuận theo mức giá thấp nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí (điểm b khoản 2 Điều 92).

Như vậy, không nên hiểu một cách hạn hẹp rằng, đương sự chỉ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ của Toà án theo quy định tại khoản 3 Điều 85 hoặc khiếu nại về những chứng cứ mà Toà án đã xác minh, thu thập theo yêu cầu của đương sự khác theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 58. Hiểu như vậy là bó hẹp phạm vi quyền khiếu nại của đương sự. Chúng tôi cho rằng, quyền khiếu nại của đương sự về việc thu thập chứng cứ của Toà án cần phải được hiểu rộng hơn, bao gồm những trường hợp sau đây:

- Đương sự khiếu nại về việc Toà án thu thập hoặc không thu thập chứng cứ theo yêu cầu của chính đương sự đó;

- Đương sự khiếu nại về việc Toà án thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự khác;

- Đương sự khiếu nại về việc Toà án tự thu thập chứng cứ.

Các khiếu nại của đương sự trong các trường hợp trên có thể là khiếu nại về thủ tục thu thập chứng cứ của Toà án (Ví dụ: Toà án không ra quyết định thu thập chứng cứ trong những trường hợp pháp luật quy định phải ra quyết định) hoặc khiếu nại về hành vi thu thập chứng cứ của Toà án (Ví dụ: Toà án thu thập chứng cứ không khách quan) hoặc khiếu nại về kết quả thu thập chứng cứ của Toà án (Ví dụ: số liệu đo đạc không chính xác).

3. Việc áp dụng quy định: Viện kiểm sát tham gia phiên toà dân sự đối với những vụ án do Toà án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại

Khoản 2 Điều 21 quy định: Viện kiểm sát tham gia phiên toà dân sự đối với những vụ án do Toà án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại. Tuy nhiên, liệu có nên hiểu một cách máy móc rằng, trong bất kỳ trường hợp nào, cứ có khiếu nại của đương sự về việc thu thập chứng cứ của Toà án, bất kể khiếu nại đó đã được giải quyết hay chưa, Viện kiểm sát đều phải tham gia phiên toà?

Chúng tôi cho rằng, nếu khiếu nại của đương sự về việc thu thập chứng cứ của Toà án đã được giải quyết theo các quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng Dân sự và đương sự đã đồng ý với việc giải quyết đó, không khiếu nại tiếp thì không nên coi là có khiếu nại và Viện kiểm sát không cần tham gia phiên toà, trừ trường hợp phải tham gia theo các quy định khác (Viện kiểm sát kháng nghị chẳng hạn). Viện kiểm sát chỉ tham gia phiên toà khi đương sự có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Toà án mà cho đến thời điểm mở phiên toà, khiếu nại của đương sự vẫn chưa được giải quyết hoặc tuy đã được giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại.

Ngoài ra, cũng cần xem xét xem liệu có còn thời gian để Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ vụ án không bởi vì, theo quy định của khoản 4 Điều 45, Điều 234, Kiểm sát viên tham gia phiên toà phải phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Vì vậy, cần phân biệt các trường hợp sau đây:

a. Đối với phiên toà sơ thẩm:

- Nếu đương sự khiếu nại trước khi Toà án có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa. Trong trường hợp này, nếu đương sự gửi đơn khiếu nại đến Toà án thì Toà án phải gửi ngay khiếu nại của đương sự kèm theo hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định tại khoản 3 Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Căn cứ vào khiếu nại của đương sự, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Toà án xác minh, thu thập chứng cứ và xem xét việc tham gia phiên toà. Nếu đương sự gửi đơn khiếu nại đến Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát cũng thông báo bằng văn bản cho Toà án biết việc khiếu nại của đương sự và yêu cầu Toà án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu để tham gia phiên toà.

- Nếu đương sự khiếu nại sau khi Toà án có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Viện kiểm sát chỉ tham gia phiên toà sơ thẩm khi còn đủ thời gian để Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Theo quy định tại điều luật này thì thời hạn để Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ vụ án là 15 ngày. Như vậy, nếu kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại đến thời điểm mở phiên toà được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử còn đủ thời hạn 15 ngày để Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ vụ án thì Viện kiểm sát sẽ tham gia phiên tòa, nếu không còn đủ thời hạn nghiên cứu hồ sơ thì Viện kiểm sát không tham gia phiên toà sơ thẩm nhưng Toà án cũng cần phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát biết việc khiếu nại của đương sự để Viện kiểm sát xem xét việc kháng nghị và tham gia phiên toà phúc thẩm.

- Nếu tại phiên toà sơ thẩm đương sự mới có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Toà án mà phiên toà đó lại không có Viện kiểm sát tham gia, thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử hay phải hoãn phiên toà để chờ Viện kiểm sát tham gia? Chúng tôi cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì việc khiếu nại của đương sự tại phiên toà không phải là căn cứ để Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, do đó Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử, nhưng ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Toà án phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết việc khiếu nại của đương sự để Viện kiểm sát xem xét việc kháng nghị.

b. Đối với phiên toà phúc thẩm:

- Nếu ở trình tự xét xử sơ thẩm, đương sự đã có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Toà án cấp sơ thẩm nhưng Viện kiểm sát chưa tham gia phiên toà sơ thẩm vì không còn đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự, mà cho đến thời điểm mở phiên toà xét xử phúc thẩm, khiếu nại của đương sự vẫn chưa được giải quyết xong thì Viện kiểm sát phải tham gia phiên toà phúc thẩm.

- Nếu ở trình tự xét xử sơ thẩm, đương sự không có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Toà án cấp sơ thẩm nhưng sau khi xét xử, đương sự kháng cáo bản án, quyết định của Toà án mà trong nội dung kháng cáo đương sự đồng thời khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Toà án cấp sơ thẩm thì Viện kiểm sát phải tham gia phiên toà phúc thẩm. Trong trường hợp này, Toà án cấp phúc thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản việc khiếu nại của đương sự cho Viện kiểm sát cùng cấp và ngay sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, Toà án phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu để tham gia phiên toà phúc thẩm.

- Nếu đương sự khiếu nại về việc thu thập chứng cứ của Toà án cấp phúc thẩm mà việc khiếu nại trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm hoặc khiếu nại sau khi Toà án có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm nhưng vẫn còn đủ thời gian để Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 262 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì Viện kiểm sát phải tham gia phiên toà phúc thẩm.

- Nếu tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự mới có khiếu nại thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tiếp tục xét xử, sau khi xét xử, Toà án thông báo bằng văn bản việc khiếu nại của đương sự cho Viện kiểm sát biết để Viện kiểm sát xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm.

Tóm lại, do nhiều lý do, các quy định về vấn đề Kiểm sát viên tham gia phiên toà dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự trong Bộ luật Tố tụng Dân sự còn có những điểm chưa thống nhất, chưa cụ thể và rõ ràng. Vì vậy, các cơ quan hữu trách cần giải thích, hướng dẫn cụ thể về các quy định này để bảo đảm nhận thức và thực hiện đúng, góp phần nâng cao chất lượng xét xử các vụ việc dân sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.u

Chú thích:

(1) Pháp luật các nước quy định khá rõ ràng và nhất quán các trường hợp công tố viên tham gia phiên toà dân sự, thông thường là nhầm bảo vệ lợi ích và trật tự công. Xem thêm: Trần Văn Trung, Bàn về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tạp chí Toà án nhân dân, số 3 và số 4 năm 2004.

ở nước ta, ngay từ ngày đầu mới giành độc lập, vấn đề công tố viên (Kiểm sát viên hiện nay) tham gia phiên toà đã được quy định tại Sắc lệnh số 51 ngày 17 tháng 4 năm 1946 ấn định thẩm quyền các toà án và sự phân công giữa các nhân viên tư pháp: Về mặt hộ, ông biện lý có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các vị thành niên, của các người bị cấm quyền cùng các pháp nhân hành chính; Ông biện lý có nhiệm vụ phải can thiệp vào những việc quan hệ đến thân phận và căn cước cùng những việc mà pháp luật bắt buộc phải có ý kiến công tố viên; Ông chưởng lý và các thẩm phán trong công tố viện có quyền phát ngôn ở những phiên toà hộ và hình toà thượng thẩm; Về bên hộ, dưới quyền điều khiển của ông chưởng lý, các thẩm phán trong công tố viện có quyền đứng làm chánh tố trong những trường hợp do luật lệ định trước (các điều 26, 32, 38…). Quy định này được tiếp tục hoàn thiện thêm trong các văn bản pháp luật ban hành sau đó cho đến khi có Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quy đinh: Viện kiểm sát tham gia các phiên toà dân sự (Điều 21).

NGUỒN: TẠP CHÍ KIỂM SÁT SỐ 2/2005

Share on Google Plus

About Unknown

250 x 250
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét