model trains for beginners 728 x 90 728 x 90

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý VỀ CÔNG TÁC KIỂM SÁT GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ TRONG NĂM 2005

NGUYỄN VĂN CƠ

Vụ trưởng Vụ 5, VKSNDTC

Bộ luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2005 đã có hơn 80 điều luật quy định liên quan đến hoạt động của Viện kiểm sát đối với Toà án từ khi Toà án thụ lý đến khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực thi hành.

Để thực hiện tốt Bộ luật Tố tụng Dân sự, theo chúng tôi Viện kiểm sát nhân dân cần phải làm tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất: Về kiểm sát thụ lý vụ, việc dân sự của Toà án: Theo quy định của Điều 174 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày Toà án thụ lý vụ án, Toà án phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát biết. Quy định như vậy là để Viện kiểm sát nắm được số lượng vụ án Toà án thụ lý, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định để tiến hành hoạt động kiểm sát việc thụ lý, theo dõi kết quả việc giải quyết vụ án dân sự của Toà án, việc ra bản án, quyết định có đúng quy định của pháp luật không. Để thực hiện nội dung này, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2005, các Viện kiểm sát địa phương phải mở sổ thụ lý để theo dõi, đồng thời phân công Kiểm sát viên theo dõi việc giải quyết của Toà án. Nếu Toà án giải quyết không đúng với quy định của pháp luật thì kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục (Điều 21 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Khi nhận được thông báo cần kiểm tra xem xét nếu nội dung thông báo không đúng các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật Tố tụng Dân sự và có khiếu nại về việc thụ lý thì Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu Toà án kiểm tra, xem xét việc thụ lý có đúng quy định của pháp luật không, để kịp thời yêu cầu khắc phục vi phạm.

Thứ hai: Về việc tham gia phiên toà dân sự của Viện kiểm sát nhân dân: Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự có quy định: Viện kiểm sát phải tham gia phiên toà những vụ án mà Viện kiểm sát khởi tố, kháng nghị, đối với những vụ án dân sự khác Viện kiểm sát chỉ tham gia khi xét thấy cần thiết. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 tại Điều 21 quy định: Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa, các vụ án do Tòa án xét xử. Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định cụ thể hơn ở từng giai đoạn tố tụng:

Đối với giai đoạn sơ thẩm, Viện kiểm sát chỉ tham gia phiên toà những vụ án Toà án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, các việc dân sự do Toà án giải quyết. Như vậy kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2005, Viện kiểm sát chỉ tham gia hai loại việc nêu trên.

Để thực hiện được nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án, việc dân sự theo quy định của Điều 21 các Viện kiểm sát phải mở sổ theo dõi đơn khiếu nại của đương sự về việc thu thập chứng cứ của Toà án (kể cả đơn khiếu nại mà đương sự gửi cho Toà án mà Toà án chuyển cho Viện kiểm sát) để Viện kiểm sát xem xét có thể yêu cầu Toà án xác minh, thu thập tài liệu theo yêu cầu của Viện kiểm sát và tham gia phiên toà sơ thẩm. Đối với những việc dân sự mà Toà án giải quyết thì Viện kiểm sát phải tham gia 100%. Sau phiên toà giải quyết vụ án dân sự và sau phiên họp giải quyết việc dân sự, Toà án phải chuyển bản án, quyết định sơ thẩm cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát thực hiện thẩm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với quyết định, bản án dân sự. Để thực hiện quy định tại Điều 84 Bộ luật Tố tụng Dân sự về việc Viện kiểm sát có quyền yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng nhằm đảm bảo cho việc thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc và tái thẩm. Do đó, khi Viện kiểm sát nhận được bản án, quyết định của cấp sơ thẩm phải phân công Kiểm sát viên nghiên cứu ngay bản án, quyết định dân sự và tổ chức nghiên cứu hồ sơ, khi cần thiết mời đương sự để làm rõ tính có căn cứ và hợp lý của bản án. Nếu đương sự cung cấp tài liệu đủ cơ sở để xác định bản án có vi phạm pháp luật thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp quyết định kháng nghị bản án đó để giải quyết theo trình tự phúc thẩm. Nếu đã hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp thì chuyển cho Viện kiểm sát cấp trên để kháng nghị. Theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 thì hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với việc giải quyết vụ án dân sự của Toà án chủ yếu là qua nghiên cứu hồ sơ hoặc qua tham gia tại phiên toà để phát hiện vi phạm. Còn Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với giải quyết vụ án dân sự ở cấp sơ thẩm là thông qua bản án, quyết định của Toà án để thực hiện việc phát hiện vi phạm bằng cách nghiên cứu hồ sơ, yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu để kháng nghị yêu cầu Toà án cấp trên xem xét lại. Bởi vậy, đòi hỏi trách nhiệm, năng lực, trình độ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự phải được nâng lên, phải nắm vững pháp luật mới đáp ứng được yêu cầu mới.

Về tham gia phiên toà phúc thẩm: Theo quy định tại khoản 2 Điều 264 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì Viện kiểm sát chỉ tham gia hai loại đó là những vụ án mà Viện kiểm sát đã tham gia ở giai đoạn sơ thẩm hoặc đã kháng nghị. Như vậy, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2005, các Viện kiểm sát cấp huyện và cấp tỉnh khi đã tham gia phiên toà sơ thẩm và những vụ kháng nghị phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cấp trên để Viện kiểm sát tham gia phiên toà phúc thẩm. Nhận được những vụ án loại này, Viện kiểm sát cấp trên phải chủ động để yêu cầu Toà án chuyển hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ để chuẩn bị tốt cho việc tham gia phiên toà. Theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì có thể trong năm tới lượng án Viện kiểm sát cấp trên phải tham gia phúc thẩm sẽ ít hơn trước. Song kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2005, việc nghiên cứu, phát hiện vi phạm bản án, quyết định của Viện kiểm sát chủ yếu không phải thông qua hoạt động tố tụng tại phiên toà mà phải tổ chức tốt việc tiếp nhận bản án, quyết định để nghiên cứu, phát hiện vi phạm. Đây cũng là những đòi hỏi cao hơn về phương thức và biện pháp quản lý công tác, phải có sự đổi mới thì mới hoàn thành được nhiệm vụ do luật định.

Về tham gia phiên toà giám đốc thẩm: Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định có hai cấp thực hiện việc giám đốc thẩm đó là Toà án nhân dân cấp tỉnh khi có kháng nghị của Chánh án hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh; Toà án nhân dân tối cao khi có kháng nghị của Chánh án hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Và theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì Viện kiểm sát phải tham gia tất cả phiên toà giám đốc thẩm của Toà án đưa vụ án ra xét xử (kể cả Toà án kháng nghị và Viện kiểm sát kháng nghị). Để thực hiện được tốt ở thủ tục giám đốc, kháng nghị được nhiều và đúng quy định của pháp luật thì khi có thông báo của đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức về bản án, quyết định có vi phạm - Viện kiểm sát cấp tỉnh cũng như Viện kiểm sát tối cao phải thực hiện đúng và đầy đủ quy định tại Điều 84 là yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng để thực hiện việc kháng nghị.

Thứ ba: Tham gia các phiên họp của Toà án để giải quyết việc dân sự: Đây là vấn đề mới trong Bộ luật Tố tụng Dân sự đã phân ra hai loại vụ và việc và áp dụng hai trình tự khác nhau. Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát tham gia cũng nặng nề hơn nhất là phải tham gia 100% các việc dân sự Toà án giải quyết. Để làm tròn trách nhiệm thì công tác theo dõi thụ lý, nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên họp của Viện kiểm sát cần được đề cao hơn và Viện kiểm sát các cấp phải nêu cao hơn nữa vai trò, vị trí, trách nhiệm trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ đổi mới phương pháp công tác, xác định ý thức trách nhiệm cao hơn để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao./.

NGUỒN: TẠP CHÍ KIỂM SÁT SỐ 2/2005

Share on Google Plus

About Unknown

250 x 250
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét