model trains for beginners 728 x 90 728 x 90

NHỮNG NGUYÊN TẮC TỐ TỤNG DÂN SỰ ĐẶC TRƯNG TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

TS. NGUYỄN NGỌC KHÁNH

Viện khoa học kiểm sát - VKSND tối cao

1. Theo cách hiểu chung nhất, các nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng dân sự là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo cho việc xây dựng và thi hành pháp luật tố tụng dân sự, chúng được thể hiện thông qua các quy phạm pháp luật và mang tính phổ biến, bắt buộc chung đối với toàn xã hội. Về mặt kỹ thuật lập pháp, thông thường những nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự được ghi nhận trong từng điều luật riêng biệt, chẳng hạn như nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, nguyên tắc Toà án xét xử công khai, nguyên tắc hoà giải trong tố tụng dân sự…, nhưng cũng có một số nguyên tắc chỉ có thể nhận thấy thông qua việc phân tích một số quy định của pháp luật tố tụng dân sự, ví dụ như nguyên tắc Thẩm phán điều khiển quá trình tố tụng, nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án… Hiện nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật tố tụng dân sự, các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự Việt Nam được thể chế hoá tại Chương II phần “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, trong đó mỗi nguyên tắc cơ bản được ghi nhận tại một điều luật riêng biệt.

Là tư tưởng chỉ đạo mang tính chi phối, định hướng cho mọi hoạt động và hành vi tố tụng dân sự, các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự có ý nghĩa rất quan trọng:

- Thứ nhất, cùng với đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh quan hệ tố tụng, các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự được coi là dấu hiệu “bổ sung” thể hiện tính độc lập của ngành luật tố tụng dân sự với những ngành luật khác;

- Thứ hai, các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự là cơ sở cho hoạt động sáng tạo, giải thích, hướng dẫn áp dụng quy phạm pháp luật tố tụng dân sự;

- Thứ ba, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự, người ta có thể phân biệt, đối chiếu, so sánh thủ tục tố tụng dân sự của các hệ thống pháp luật khác nhau (chẳng hạn, nhìn vào hệ thống các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự, không khó lắm cũng có thể chỉ ra rằng, mô hình tố tụng dân sự nước ta là hệ tố tụng xét hỏi kết hợp với yếu tố tranh tụng);

- Thứ tư, việc vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự có thể là căn cứ để huỷ bỏ phán quyết của Toà án, của Trọng tài.

Với ý nghĩa quan trọng như vậy, việc nghiên cứu để làm rõ các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự Việt Nam nói chung cũng như các nguyên tắc tố tụng dân sự đặc trưng trong Bộ luật Tố tụng Dân sự nói riêng là rất cần thiết.

2. Như đã nói ở trên, các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự Việt Nam được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng Dân sự thành một chế định riêng biệt (tại Chương II). Có thể thấy, so với quy định của pháp luật tố tụng trước đó, chế định các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự Việt Nam được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự rõ ràng hơn, đầy đủ hơn và phù hợp hơn. Kế thừa các Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động trước đây, Bộ luật Tố tụng Dân sự xây dựng mới một số nguyên tắc thể hiện rõ hơn tính dân chủ và pháp chế trong tố tụng dân sự như nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng dân sự, nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự, nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng dân sự…, đồng thời sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn nội dung một số nguyên tắc cơ bản quy định trong pháp luật tố tụng dân sự hiện hành như nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự, nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự, nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự… Tổng cộng, Bộ luật Tố tụng Dân sự ghi nhận 22 nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự Việt Nam (từ Điều 3 đến Điều 24). Điều dễ nhận thấy là trong số 22 nguyên tắc cơ bản này, có những nguyên tắc không chỉ được ghi nhận trong pháp luật tố tụng dân sự mà còn được thể hiện trong các văn bản pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp như: nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động tố tụng, nguyên tắc Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử, nguyên tắc Toà án xét xử tập thể, công khai, nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Toà án, nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng,... Do vậy, phạm vi bài viết dưới đây chỉ tập trung giới thiệu nội dung chủ yếu của các nguyên tắc tố tụng dân sự đặc trưng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam, đó là:

a) Nguyên tắc bảo đảm quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác (Điều 4)

Dù nói về bất kỳ thủ tục tố tụng dân sự nào (cho dù đó là tố tụng tranh tụng hay tố tụng xét hỏi), thì một trong những mục đích quan trọng nhất của nó vẫn là phải đảm bảo cho mọi đối tượng trong xã hội có quyền tiếp cận công lý, tiếp cận Toà án một cách không hạn chế và công bằng. Nguyên tắc bảo đảm quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác quy định tại Điều 4 đã phần nào phản ánh mục đích ấy. Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”.

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc này là:

- Các cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác thông qua con đường Toà án. Trong trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác bị xâm phạm hoặc trong trường hợp ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng thuộc lĩnh vực mình phụ trách, các cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại bất kỳ Toà án nào có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ. Các quy định về thẩm quyền của Toà án (thẩm quyền theo lãnh thổ, thẩm quyền theo vụ việc) phải đảm bảo để các bên có thể tiếp cận đến Toà án giải quyết vụ việc một cách hợp lý và bình đẳng;

- Toà án có thẩm quyền phải có trách nhiệm thụ lý vụ việc dân sự để giải quyết theo quy định của pháp luật. Toà án đã thụ lý có nghĩa vụ hướng dẫn cho các bên hoặc chuyển đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đến Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, người yêu cầu, nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác. Trong trường hợp Toà án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc trong trường hợp Toà án đã thụ lý ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Toà án có thẩm quyền thì cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định có quyền khiếu nại việc đó.

b/ Nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự (Điều 5)

Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự bắt nguồn từ nguyên tắc bảo đảm quyền tự quyết của các bên đối với các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quan hệ dân sự. Trong tố tụng dân sự, nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự thể hiện ở khả năng những người tham gia tố tụng tự do định đoạt các quyền dân sự của mình và các quyền, phương tiện tố tụng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại. Đó cũng là quan niệm chung nhất về nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự được nhiều luật gia trên thế giới chia sẻ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự Việt Nam cũng có nội dung và ý nghĩa tương tự như quyền tự định đoạt của đương sự trong hệ tố tụng dân sự các nước phát triển theo truyền thống Common Law và Civil Law. Nếu như ở các nước phát triển theo truyền thống Common Law và Civil Law, phạm vi nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự gần như mang ý nghĩa tuyệt đối, các bên có quyền tự do hoàn toàn trong việc định đoạt các quyền dân sự cũng như các quyền và phương tiện tố tụng nhằm bảo vệ các quyền đó với sự can thiệp rất hạn chế của Nhà nước, thì trong Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự phải được thực hiện với vai trò tích cực và kiểm soát từ phía Nhà nước (mà cụ thể là các cơ quan Toà án và Viện kiểm sát). Trong mối quan hệ với nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự, vai trò tích cực và kiểm soát từ phía Nhà nước Việt Nam được biểu hiện rõ nét nhất ở hai khía cạnh: thứ nhất, đó là vai trò chủ động của Toà án trong việc kiểm tra theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm toàn bộ vụ án dân sự trong mối quan hệ với những người tham gia tố tụng; và thứ hai, đó là sự chủ động can thiệp (nếu thấy cần thiết) từ phía Viện kiểm sát vào quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự khi trật tự pháp luật, lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội bị ảnh hưởng hoặc xâm hại. Chính vì thế, bên cạnh việc khẳng định nguyên tắc “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó; Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội (Điều 5)”, Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam còn có những quy định về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án cũng như trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc tham gia phiên toà xét xử và phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm trong những trường hợp do pháp luật quy định…

Nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là một trong những nguyên tắc cốt lõi, đặc trưng nhất của tố tụng dân sự và được biểu hiện dưới những nội dung chủ yếu sau đây:

- Toà án không tự đưa các tranh chấp dân sự ra Toà để giải quyết, việc khởi kiện hay không khởi kiện là do các bên đương sự tự quyết định. Chính các bên đương sự vừa là người quyết định việc khởi động tiến trình tố tụng bằng cách đưa vụ án dân sự ra Toà, đồng thời cũng là người quyết định các hành vi tố tụng tiếp theo, như: Nguyên đơn có thể rút đơn khởi kiện hoặc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của mình; bị đơn có thể đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn, chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện mà bên nguyên đơn đưa ra; các bên đương sự có quyền thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự một cách tự nguyện, không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội; tự mình quyết định việc kháng cáo hay không kháng cáo phúc thẩm…;

- Bộ máy xét xử sẽ chỉ hoạt động khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ trong phạm vi mà các bên đương sự có yêu cầu. Toà án thụ lý đơn khởi kiện chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu khởi kiện và chỉ trong phạm vi những bị đơn đã được nêu trong đơn khởi kiện đó (ngoại lệ là đối với trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối do vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Toà án có quyền tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu mà không phụ thuộc vào yêu cầu của các bên đương sự);

- Thủ tục xét xử phúc thẩm chỉ được bắt đầu khi và chỉ khi có đơn kháng cáo của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện (hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát) đối với bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Nếu người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo (hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị) thì Toà án cấp phúc thẩm phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ việc. Bị giới hạn bởi nội dung kháng cáo, kháng nghị, Toà án cấp phúc thẩm chỉ có quyền xem xét lại phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị (Điều 263).

c/ Nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự (Điều 6)

Hoạt động xét xử các vụ án dân sự là hoạt động phát sinh trên cơ sở có sự tranh chấp quan hệ pháp luật nội dung giữa các bên có lợi ích tư đối lập nhau nhưng bình đẳng về địa vị pháp lý mà trong đó có một quy tắc chung cho cả hai bên đương sự: người nào đề ra một luận điểm cần có chứng cứ thì phải chứng minh (actori incumbit probatio). Quy tắc chung về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của đương sự cũng đã được đề cập đến trong các Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động. Bên cạnh đó, xuất phát từ nguyên tắc xác định sự thật khác quan của vụ án trong suốt quá trình tố tụng dân sự, các Pháp lệnh tố tụng trước đây quy định Toà án phải giữ vai trò tích cực và chủ động trong việc xác minh, thu thập chứng cứ, theo đó Toà án không chỉ giới hạn ở những tài liệu, chứng cứ đã được đương sự xuất trình mà còn có thể (nếu xét thấy cần thiết) áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ do pháp luật quy định để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác. Tuy nhiên, quy định này dễ dẫn đến tình trạng Toà án lạm dụng quyền lực, thiên vị cho một bên hoặc “làm thay” cho các bên đương sự khi giải quyết vụ việc và hậu quả là quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự chỉ còn mang tính hình thức, không còn mấy ý nghĩa trong thực tiễn. Để khắc phục một phần những khiếm khuyết trong các Pháp lệnh, đồng thời mở rộng nguyên tắc tự định đoạt của đương sự cũng như tăng cường yếu tố tranh tụng trong tố tụng dân sự, Điều 6 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự như sau:

“1. Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

2. Toà án chỉ tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định”.

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc này là:

- Mỗi bên đương sự có nghĩa vụ phải chứng minh những tình tiết mà mình đã viện dẫn làm cơ sở cho những yêu cầu và phản đối của mình, hay nói một cách giản đơn hơn: “Ai khẳng định một sự việc gì thì phải chứng minh sự việc ấy” (he who affirms must prove). Nghĩa vụ này cũng được áp dụng trong trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Nhưng cần lưu ý là, nguyên tắc chung về nghĩa vụ chứng minh của các bên đương sự cũng có những ngoại lệ. Những ngoại lệ này có thể được quy định ngay trong Bộ luật Tố tụng Dân sự (ví dụ như quy định tại Điều 80 Bộ luật về những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh) hoặc có thể do pháp luật nội dung quy định. Ví dụ: theo nguyên tắc chung, người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi (Điều 309 khoản 1 Bộ luật Dân sự). Điều đó cũng có nghĩa, nếu áp dụng một cách máy móc quy định tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì người có quyền phải chứng minh lỗi của người vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc suy đoán lỗi của người vi phạm nghĩa vụ, người có quyền sẽ không phải chứng minh lỗi của người vi phạm nghĩa vụ, mà ngược lại, việc chứng minh không có lỗi thuộc trách nhiệm của người vi phạm nghĩa vụ (khoản 3 Điều 309 Bộ luật Dân sự);

- Đương sự có nghĩa vụ chứng minh nên khi không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó (khoản 4 Điều 79). Hậu quả đó có thể là yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu mà đương sự đưa ra không được Toà án chấp nhận hoặc chỉ được Toà án chấp nhận một phần…;

- Vai trò của Toà án trong việc xác minh, thu thập chứng cứ được đổi mới theo hướng Toà án chỉ áp dụng một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ trong những trường hợp luật định và việc tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án phải tuân theo trình tự, thủ tục chặt chẽ do Bộ luật này quy định (từ khoản 2 Điều 85 - Điều 94); trường hợp xét thấy chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán không được tự mình xác minh, thu thập mà phải yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ (khoản 1 Điều 85).

d/ Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự (Điều 8)

Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự phản ánh tư tưởng pháp lý tiến bộ của nhân loại về sự bình đẳng của tất cả mọi người trước pháp luật đã được ghi nhận trong hai văn bản quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc là Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Điều 8 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định:

“Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trước Toà án không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp. Mọi cơ quan, tổ chức đều bình đẳng không phụ thuộc vào hình thức tổ chức, hình thức sở hữu và những vấn đề khác.

Các đương sự đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự, Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình”.

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc này là:

- Việc giải quyết vụ việc dân sự được tiến hành bởi một hệ thống Toà án thống nhất. Trong hoàn cảnh thông thường, không được thành lập Toà án đặc biệt dựa trên sự phân biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, địa vị, chỗ ở, hình thức tổ chức, hình thức sở hữu và những dấu hiệu khác để giải quyết vụ việc dân sự đối với một số công dân hay cơ quan, tổ chức nào đó (tuy nhiên, cần lưu ý là, trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt);

- Pháp luật được áp dụng thống nhất và như nhau đối với các chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, điều đó không loại trừ khả năng pháp luật có những quy định đặc quyền riêng đối với một số chủ thể đặc biệt trong tố tụng dân sự, ví dụ như quy định về miễn giảm án phí hay quy định về quyền được từ chối khai báo trong những trường hợp nhất định…;

- Các đương sự có vị trí tố tụng như nhau có quyền, nghĩa vụ tố tụng như nhau. Trường hợp các đương sự có vị trí tố tụng khác nhau (chẳng hạn như vị trí nguyên đơn và vị trí bị đơn), các đương sự vẫn có cơ hội và khả năng bình đẳng như nhau trong việc thực hiện các quyền tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Toà án, như quyền đưa ra yêu cầu, quyền phản đối yêu cầu, quyền kháng cáo, khiếu nại, xuất trình chứng cứ, tranh luận, quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ… Đồng thời, các đương sự cũng bình đẳng với nhau trong việc thực hiện các nghĩa vụ tố tụng, như nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, nghĩa vụ tôn trọng Toà án, chấp hành các quyết định của Toà án trong thời gian giải quyết vụ án…;

- Toà án giải quyết vụ việc dân sự phải khách quan, vô tư, không thiên vị và độc lập, không chịu sự ảnh hưởng từ bên ngoài; Toà án có trách nhiệm giải thích cho các bên đương sự về quyền và nghĩa vụ của họ, báo trước về hậu quả pháp lý do thực hiện hoặc không thực hiện hành vi tố tụng, giúp đỡ các bên đương sự trong việc thực hiện quyền của mình, tạo mọi điều kiện để việc nghiên cứu chứng cứ được khách quan, toàn diện và đầy đủ, áp dụng đúng đắn những quy định của pháp luật khi giải quyết vụ việc dân sự.

đ/ Nguyên tắc hoà giải trong tố tụng dân sự (Điều 10)

Hoà giải là sự thoả thuận giữa các bên đương sự về việc giải quyết toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện và tự nguyện chấm dứt tranh chấp bằng con đường tố tụng. Trong Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam, hoà giải vừa được quy định với ý nghĩa là quyền tự định đoạt của đương sự, đồng thời cũng được khẳng định là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự. Điều 10 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định:

“Toà án có trách nhiệm tiến hành hoà giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”.

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc này là:

- Hoà giải là một thủ tục tố tụng được thực hiện đối với mọi vụ án dân sự (đối với việc dân sự không có yếu tố tranh chấp thì không áp dụng thủ tục hoà giải) và được tiến hành ở tất cả các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, từ khi thụ lý vụ án cho đến khi Hội đồng xét xử phúc thẩm bắt đầu xét xử vụ án bằng việc nghe lời trình bày của các đương sự tại phiên toà phúc thẩm, trừ trường hợp vụ án dân sự Bộ luật quy định không tiến hành hoà giải được (bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt; đương sự không thể tham gia hoà giải được vì có lý do chính đáng; đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự) và trừ trường hợp vụ án dân sự không được hoà giải (yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội);

- Hoà giải trong tố tụng dân sự Việt Nam là hoà giải trước Toà án, hay còn gọi là hoà giải trong quá trình tố tụng và được thực hiện với sự hiện diện của thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử. Tuy Toà án không phải là chủ thể của quyền hoà giải, và cũng không đại diện cho lợi ích của bất cứ bên đương sự nào, nhưng với tư cách là cơ quan xét xử có trách nhiệm tiến hành hoà giải, Toà án có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hoà giải. Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện để các đương sự hoà giải với nhau, giúp cho các bên đương sự hiểu rõ pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội đang tranh chấp, giải thích cho họ về hậu quả pháp lý trong trường hợp hoà giải thành và hoà giải không thành. Bên cạnh đó, Toà án có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện quyền tự định đoạt trong việc hoà giải của các bên đương sự nhằm đảm bảo tiến trình hoà giải diễn ra theo đúng quy định của pháp luật và có quyền không công nhận kết quả hoà giải, nếu sự thoả thuận đó trái pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

e/ Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Điều 21)

Một trong những nguyên tắc đặc thù cơ bản đã phân biệt luật Tố tụng Dân sự Việt Nam với luật tố tụng dân sự các nước chính là nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân, Điều 21 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định:

“1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.

2. Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên toà đối với những vụ án do Toà án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, các việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Toà án”.

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc này là:

- Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự mà một trong những phương thức hoạt động chủ yếu là phải tập trung kiểm sát các bản án, quyết định giải quyết và xử lý vụ việc dân sự của Toà án để góp phần bảo đảm những bản án, quyết định này có căn cứ và hợp pháp; Viện kiểm sát không thực hiện quyền khởi tố một số vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động như trước đây và cũng không tham gia 100% các phiên toà xét xử vụ án mà chỉ tham gia phiên toà đối với những vụ án do Toà án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, các việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Toà án;

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong suốt quá trình tố tụng, trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật, Viện kiểm sát được thực hiện các quyền: quyền yêu cầu, quyền kiến nghị và quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật./.

NGUỒN: TẠP CHÍ KIỂM SÁT SỐ 2/2005

Share on Google Plus

About Unknown

250 x 250
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét