model trains for beginners 728 x 90 728 x 90

THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP VỀ KINH DOANH, THƯƠNG MẠI VÀ LAO ĐỘNG THEO BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2004

Thạc sỹ TRẦN ĐÌNH KHÁNH

Phó Vụ trưởng Vụ 12, VKSNDTC

Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) ra đời đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Từ ngày 01/01/2005, Bộ luật Tố tụng Dân sự bắt đầu có hiệu lực để thay thế nhiều văn bản pháp luật về tố tụng dân sự trước đây, trong đó có Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (1989), Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (1994), Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động (1996). So với các Pháp lệnh nêu trên thì Bộ luật Tố tụng Dân sự chứa đựng nhiều quy định mới, tiến bộ về thẩm quyền, thủ tục giải quyết của Toà án nhân dân đối với các tranh chấp về dân sự, về kinh doanh, thương mại và về lao động. Tuy vậy, thực tiễn áp dụng các quy định này của Bộ luật Tố tụng Dân sự có thể gặp những khó khăn, vướng mắc. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày ý kiến, nhận thức về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại và tranh chấp về lao động theo quy định tại Điều 29 và Điều 31 - Bộ luật Tố tụng Dân sự nhằm góp phần làm cho việc thực hiện đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

1. Thẩm quyền giải quyết của Toà án những tranh chấp về kinh doanh thương mại:

Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định 4 loại việc tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Toà án. Đó là:

“1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm: a, Mua bán hàng hoá; b, Cung ứng dịch vụ; c, Phân phối; d, Đại diện, đại lý; đ, Ký gửi; e, Thuê, cho thuê, thuê mua; g, Xây dựng; h, Tư vấn, kỹ thuật; i, Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa; k, Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; l, Mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác; m, Đầu tư, tài chính, ngân hàng; n, Bảo hiểm; o, Thăm dò, khai thác.

2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

3. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

4. Tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định”.

Như vậy, so với Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 12 về thẩm quyền của Toà án nhân dân giải quyết các tranh chấp kinh tế thì Bộ luật Tố tụng Dân sự tại khoản 1 Điều 29 có những điểm mới sau:

- Bộ luật Tố tụng Dân sự không dùng khái niệm “tranh chấp về hợp đồng kinh tế” mà dùng khái niệm “tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, thương mại” và đã liệt kê đầy đủ hơn các hành vi kinh doanh, thương mại nếu có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân.

- Về chủ thể: Chủ thể trong các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại rộng hơn so với chủ thể các tranh chấp về hợp đồng kinh tế quy định trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế. Trong Pháp lệnh quy định chủ thể tranh chấp về hợp đồng kinh tế là pháp nhân với pháp nhân; pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh. Tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định chủ thể tranh chấp về hoạt động kinh doanh, thương mại là cá nhân và tổ chức có đăng ký kinh doanh. ở đây, có sự khác biệt khá lớn về chủ thể tranh chấp kinh tế theo Pháp lệnh và chủ thể tranh chấp kinh doanh thương mại theo Bộ luật Tố tụng Dân sự. Theo Pháp lệnh tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh hay giữa tổ chức không phải là pháp nhân có đăng ký kinh doanh (doanh nghiệp tư nhân) với nhau hoặc với cá nhân có đăng ký kinh doanh cũng không thuộc nhóm tranh chấp kinh tế. Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự chủ thể tranh chấp kinh doanh, thương mại chỉ cần cá nhân hoặc tổ chức có đăng ký kinh doanh, không cần tổ chức kinh tế đó có phải là pháp nhân hay không.

- Về mục đích: Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định các chủ thể tranh chấp hoạt động kinh doanh, thương mại phải đều có mục đích lợi nhuận. Tại khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định thẩm quyền Toà án giải quyết tranh chấp kinh tế là phải từ tranh chấp của hợp đồng kinh tế trong khi đó Điều 1, Điều 2 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế (1989) không nói rõ mục đích lợi nhuận của các chủ thể hợp đồng kinh tế, còn mục đích kinh doanh có đặt ra nhưng cũng không khẳng định các chủ thể trong hợp đồng kinh tế phải đều có mục đích kinh doanh.

BLTTDS tại khoản 2 Điều 29 cũng đã mở rộng quan niệm tranh chấp kinh doanh, thương mại sang cả tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau nếu các bên tham gia quan hệ đều có mục đích lợi nhuận. Việc mở rộng này là cần thiết. Tuy nhiên việc áp dụng quy định này cũng phải cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền hiểu thế nào là có mục đích lợi nhuận để khỏi nhầm lẫn với việc áp dụng khoản 4 Điều 25 BLTTDS.

Tại khoản 3 Điều 29 BLTTDS ngoài việc tiếp tục ghi nhận một số loại hình tranh chấp trong nội bộ công ty được quy định tại khoản 2 Điều 12 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế: Tranh chấp giữa công ty và thành viên công ty, giữa các thành viên công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty còn bổ sung các tranh chấp liên quan đến viêc sát nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức công ty. Đây là những bổ sung cho phù hợp với Luật doanh nghiệp năm 2000. Cũng cần hiểu rằng chủ thể pháp lý là công ty ở đây bao gồm cả Tổng công ty hoặc 1 loại chủ thể kinh tế độc lập theo Luật Doanh nghiệp miễn là công ty hay tổng công ty hoặc chủ thể kinh tế độc lập phải là một pháp nhân kinh tế. Trường hợp các công ty thành viên của tổng công ty hay chi nhánh của công ty không có tư cách pháp nhân thì tranh chấp những nội dung nêu trên trong công ty thành viên, chi nhánh không coi là tranh chấp kinh doanh thương mại được áp dụng khoản 3 Điều 29 BLTTDS.

Trong thực tế hiện nay không ít công ty, những người chủ sở hữu công ty thuê người làm giám đốc công ty mà người này không phải là thành viên công ty. Khi có tranh chấp giữa công ty hoặc thành viên công ty với người được thuê làm giám đốc công ty không ít Toà án lúng túng xác định đây là vụ kiện gì: Tranh chấp trong nội bộ công ty về kinh doanh, thương mại, tranh chấp về lao động hay tranh chấp về dân sự.

Để xác định loại hình tranh chấp trong trường hợp này phải xem xét chủ thể tranh chấp về kinh doanh, thương mại trong nội bộ công ty. Chủ thể tranh chấp loại hình này phải là thành viên công ty hoặc công ty. Nếu không thoả mãn điều kiện này dù họ là giám đốc công ty thì không thể xác định tranh chấp giữa họ với công ty và các thành viên công ty là chủ thể của tranh chấp kinh doanh, thương mại. Còn đó là tranh chấp về dân sự hay tranh chấp về lao động thì tuỳ thuộc vào nội dung tranh chấp.

2. Thẩm quyền giải quyết của Toà án những tranh chấp về lao động:

Liên quan đến thẩm quyền của Toà án giải quyết các tranh chấp về lao động từ 1/1/2005 trở đi chúng ta không những áp dụng BLTTDS mà còn phải áp dụng Bộ luật Lao động đã được sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 1/1/2003.

Theo quy định tại Điều 31 BLTTDS, Điều 151, Điều 157 Bộ luật Lao động thì có 4 nhóm tranh chấp về lao động (xét về chủ thể) thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Đó là:

- Tranh chấp lao động giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác.

- Tranh chấp về bảo hiểm xã hội giữa người lao động đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động hoặc với cơ quan bảo hiểm xã hội; giữa người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội.

- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

- Tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm tiền lương, thu nhập và các điều kiện khác; về thoả ước lao động tập thể hoặc về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn.

So với Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động thì BLTTDS và một số điều của Bộ luật Lao động có những điểm mới sau:

- Khoản 1 Điều 31 BLTTDS chỉ nêu tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động và người sử dụng lao động chứ không nêu cụ thể các tranh chấp lao động cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Vấn đề này đã được quy định cụ thể tại Điều 157 Bộ luật Lao động.

- BLTTDS mở rộng phạm vi các tranh chấp lao động cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Điều này thể hiện ở chỗ nhiều tranh chấp lao động trước đây theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động phải qua hoà giải cơ sở hoặc hoà giải lao động của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện nếu việc hoà giải không thành thì một trong các bên mới được yêu cầu Toà án giải quyết. Theo Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động chỉ có 3 loại tranh chấp lao động cá nhân (xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải; đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động) không nhất thiết phải qua hoà giải cơ sở. Khi nhận đơn kiện về những loại tranh chấp này, Toà án có thể thụ lý, giải quyết ngay. Nhưng theo Điều 31 BLTTDS, Điều 166 Bộ luật Lao động có thêm 5 loại tranh chấp mà các bên không nhất thiết phải qua hoà giải cơ sở, có thể kiện thẳng ra Toà án. Đó là các tranh chấp:

- Bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động (Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động chỉ quy định bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động);

- Tranh chấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

- Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

- Tranh chấp về bảo hiểm xã hội gồm tranh chấp giữa người lao động đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động hoặc với cơ quan bảo hiểm xã hội và tranh chấp giữa người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội;

- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 31 BLTTDS và Điều 164 Bộ luật Lao động còn quy định Toà án có thể thụ lý giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp tranh chấp lao động phải qua hoà giải cơ sở nhưng Hội đồng hoà giải cơ sở không hoà giải trong thời hạn 7 ngày kể từ khi đương sự nộp đơn yêu cầu hoà giải nếu đương sự khởi kiện. Đây là một quy định rất tiến bộ, tạo điều kiện cho các bên yêu cầu Toà án bảo vệ kịp thời quyền lợi của mình.

3. Phân biệt tranh chấp về kinh doanh thương mại với tranh chấp dân sự:

Theo quy định của BLTTDS thì tranh chấp về kinh doanh thương mại theo Điều 29 và tranh chấp về dân sự theo Điều 25, khi các đương sự khởi kiện, Toà án thụ lý thì đều gọi chung là vụ án dân sự. Vấn đề đặt ra ở đây là cần có sự phân biệt hai loại tranh chấp này để áp dụng pháp luật nội dung và tố tụng cho phù hợp. Nếu tranh chấp về dân sự thì pháp luật nội dung là Bộ luật Dân sự, còn tranh chấp về kinh doanh, thương mại thì áp dụng các văn bản pháp luật kinh tế như: Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Luật Thương mại, Luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng... Khi những văn bản pháp luật về kinh tế quy định không đầy đủ thì một số quy định trong Bộ luật Dân sự cũng được vận dụng để giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại.

Đơn cử trường hợp thuê nhà để ở thường thấy trong giao dịch dân sự khi có tranh chấp giao dịch dân sự này Toà án phải căn cứ vào các quy định từ Điều 489 đến Điều 501 BLDS để phán quyết. Còn trường hợp thuê nhà không sử dụng để ở mà sử dụng vào mục đích kinh doanh (Điều 502 BLDS) nếu pháp luật không có quy định khác thì được áp dụng các điều khoản trên của BLDS trừ quyền đươc ưu tiên ký hợp đồng thuê tiếp, quyền ưu tiên mua, quyền lưu cư và quyền tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 494, Điều 499 và Điều 500 BLDS. Một số nội dung tại Điều 502 BLDS làm cơ sở cho việc phán quyết của Toà án khi giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà mà các chủ thể có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận theo quy định của BLTTDS tại điểm e, khoản 1 Điều 29 BLTTDS.

Ngoài ra, theo pháp luật dân sự khi Toà án tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu thì hậu quả pháp lý là bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường (khoản 2 Điều 146 BLDS) còn khi toà án tuyên hợp đồng về kinh doanh thương mại vô hiệu thì thiệt hại phát sinh các bên phải chịu (điểm c khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế).

Về vấn đề pháp luật tố tụng, BLTTDS cũng có quy định hoặc chấp nhận các quy định ở những văn bản pháp luật khác có những khác biệt về thời hiệu khởi kiện và thời hạn tố tụng giữa tranh chấp về kinh doanh thương mại và tranh chấp về dân sự. Tại Điều 159 BLTTDS quy định chung về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự (trong đó có vụ án giải quyết tranh chấp về dân sự và vụ án giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại) là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm. Tại Điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm (2001) lại quy định thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm (một loại hình của tranh chấp về kinh doanh, thương mại) là 3 năm kể từ khi phát sinh tranh chấp.

Thời hạn chuẩn bị xét xử tranh chấp về dân sự là 4 tháng kể từ khi thụ lý vụ án, nếu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại thì thời hạn này là 2 tháng (khoản 1 Điều 179 BLTTDS).

Rõ ràng có sự khác biệt khá lớn khi áp dụng các văn bản pháp luật nội dung và sự khác nhau nhất định khi thực hiện quy phạm pháp luật trong BLTTDS trong việc giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại và giải quyết tranh chấp về dân sự.

Do vậy, Toà án nhân dân tối cao nên có hướng dẫn những vấn đề sau đây để làm cơ sở cho việc xác định tranh chấp nào là tranh chấp về dân sự tranh chấp nào là tranh chấp về kinh doanh, thương mại.

* Về chủ thể:

- Đối với nhóm tranh chấp về dân sự chủ thể là những cá nhân, tổ chức nào có hay không có kinh doanh.

- Đối với nhóm tranh chấp về kinh doanh, thương mại theo khoản 1 Điều 29 BLTTDS chủ thể bắt buộc là cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh.

* Về mục đích:

- Đối với nhóm tranh chấp về dân sự các bên không cùng có mục đích lợi nhuận.

- Đối với nhóm tranh chấp về kinh doanh, thương mại bắt buộc các bên tranh chấp đều có mục đích lợi nhuận.

Thực tiễn hiện nay việc phân biệt mục đích lợi nhuận hay mục đích sinh hoạt tiêu dùng khi các chủ thể tham gia vào các quan hệ kinh tế là rất khó khăn và hay nhầm lẫn, nhất là chủ thể là cá nhân có đăng ký kinh doanh hoặc chủ thể là doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ một cá nhân hay chủ doanh nghiệp tư nhân có đăng ký kinh doanh ký hợp đồng bằng văn bản để mua 1 ôtô con 4 chỗ ngồi. Cá nhân hay chủ doanh nghiệp tư nhân có thể dùng xe ôtô để đi lại phục vụ cho việc giao dịch quan hệ làm ăn theo nội dung đăng ký kinh doanh (vì mục đích lợi nhuận) mà cũng có thể dùng ôtô để đi thăm bạn bè, tham quan nghỉ mát (vì mục đích sinh hoạt, tiêu dùng). Hoặc việc mua ôtô của cá nhân hay chủ doanh nghiệp tư nhân có đăng ký kinh doanh lúc đầu là vì mục đích kinh doanh kiếm lợi nhuận nhưng sau đó họ không còn là chủ thể kinh tế (không còn là cá nhân hay chủ thể doanh nghiệp tư nhân có đăng ký kinh doanh nữa) lúc đó mới phát sinh tranh chấp việc mua ôtô thì tranh chấp này là dân sự hay tranh chấp về thương mại.

Từ những phân tích trên việc phân biệt tranh chấp về kinh doanh, thương mại với tranh chấp về dân sự không phải có ý nghĩa trong việc điều phối công việc giữa các toà chuyên trách (Toà Dân sự, Toà Kinh tế) hoặc giữa các Thẩm phán của Toà án cấp huyện có chuyên môn sâu mà điều quan trọng là Toà án áp dụng pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng phù hợp với quan hệ tranh chấp là kinh doanh, thương mại hay dân sự. Do đó, trong bối cảnh BLTTDS được áp dụng thay thế cho Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế nếu Toà án có sai soát trong việc xác định vụ án là kinh doanh, thương mại hay dân sự dẫn đến việc áp dụng sai pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng khi giải quyết vụ án đó. Trong trường hợp này không có căn cứ kháng cáo, kháng nghị để huỷ bản án, quyết định của Toà án đã giải quyết vì thụ lý, giải quyết không đúng thẩm quyền mà căn cứ kháng cáo, kháng nghị do áp dụng không đúng những quy định của pháp luật.

Trên đây, chúng tôi nêu một số suy nghĩ, nhận thức bước đầu về thẩm quyền giải quyết của Toà án các tranh chấp về kinh doanh, thương mại và tranh chấp về dân sự theo quy định tại BLTTDS 2004. Chúng tôi mong được sự quan tâm và trao đổi của đồng nghiệp và các chuyên gia về vấn đề này./.

TẠP CHÍ KIỂM SÁT SỐ 02/2005

Share on Google Plus

About Unknown

250 x 250
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét